.

Sóng 5G bắt đầu hành trình nâng cấp cuộc sống

Cập nhật: 17:17, 16/10/2024 (GMT+7)

Người dân Bà Rịa-Vũng Tàu cùng với các địa phương khác trên cả nước đã có những trải nghiệm công nghệ tuyệt vời với mạng 5G vừa chính thức được thương mại hóa. Công nghệ 5G được cho sẽ tạo động lực mạnh mẽ, thay đổi cách sống, làm việc của mỗi DN, người dân.

Trải nghiệm internet tốc nhanh hơn nhiều lần

Trong ngày đầu tiên Viettel chính thức vận hành thương mại mạng 5G, anh Đỗ Thành Toàn, ngụ tại phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu đã đăng ký gói cước dung lượng 4GB tốc độ cao mỗi ngày, với mức giá 135 ngàn đồng/tháng.

Anh Toàn cho biết: “Mạng Internet nhanh hơn rõ rệt. Tôi có thể tải xuống và xem video chất lượng cao mượt mà, không bị giật lag. Các ứng dụng yêu cầu băng thông lớn như chơi game trực tuyến và xem livestream cũng được cải thiện hơn nhiều so với trước. Với một người khá đam mê công nghệ như tôi thì đây là một trải nghiệm thú vị chưa từng có”.

Khách hàng của Viettel tại Bà Rịa-Vũng Tàu hào hứng trải nghiệm mạng 5G vừa chính thức được thương mại hóa.
Khách hàng của Viettel tại Bà Rịa-Vũng Tàu hào hứng trải nghiệm mạng 5G vừa chính thức được thương mại hóa.

Đó cũng là cảm nhận của nhiều người dùng trên địa bàn tỉnh khi sử dụng dịch vụ 5G được thương mại hóa đầu tiên tại Việt Nam do Viettel cung cấp. Có thể nhận thấy, 5G mang đến tốc độ kết nối vượt trội, hỗ trợ học tập và làm việc từ xa hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ các dịch vụ thông minh.

Đại diện Viettel Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, mạng 5G có tốc độ có thể đạt từ 700Mbps-1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ gần như bằng 0. Cùng với đó, hiện nay Viettel đang triển khai đồng thời 5G trên cả 2 nền tảng kiến trúc 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone).

“Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, mạng 5G được phủ sóng vùng trung tâm của hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, như: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Côn Đảo”, đại diện nhà mạng thông tin thêm.

Để phục vụ các phân khúc khách hàng khác nhau, Viettel cũng công bố 11 gói cước trả trước và 8 gói cước trả sau dành cho cá nhân. Với 5G Viettel, mỗi khách hàng sẽ có 1 không gian số của riêng mình, tất cả các gói cước 5G đều được Viettel miễn phí lưu trữ cloud và dịch vụ xem truyền hình TV360 4K. Đặc biệt, khách hàng sở hữu điện thoại hỗ trợ 5G có thể sử dụng ngay dịch vụ mà không phải đổi SIM.

Đối với khách hàng DN, Viettel công bố hơn 130 user cases là các ứng dụng và giải pháp dành cho các tổ chức thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, smart city, giao thông vận tải và logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, năng lượng. Các giải pháp này được may đo theo từng nhu cầu riêng, tích hợp các công nghệ cloud, AI, IoT trên nền 5G với khả năng kết nối với mật độ cực lớn, đại diện Viettel Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin thêm.

Chiến lược phát triển dài hạn

Ngoài Viettel đã chính thức vận hành thương mại, các nhà mạng khác cũng đang “rất gần” tới việc cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.

Chẳng hạn như VNPT VinaPhone, với việc sở hữu khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz), từ ngày 13/10 đến 15/10, nhà mạng bắt đầu triển khai cho các thuê bao dùng thử miễn phí 5G tại một số khu vực có sóng. Đại diện VinaPhone cho biết, dự kiến, thời gian tới sẽ hoàn thành lắp đặt hơn 3.000 trạm phát sóng 5G trên cả nước, trước mắt phủ sóng ở các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc.

Trong khi đó, MobiFone dự kiến sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp. “Việc hợp tác không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất”, đại diện nhà mạng này nhận định.

Cùng thời điểm này, các nhà mạng cũng chính thức tắt sóng 2G. Việc này sẽ giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, trong đó có công nghệ 5G.

Theo lộ trình của Bộ TT-TT, đến năm 2025, 100% tỉnh, thành phố; các khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; KCN; nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế sẽ có dịch vụ di động 5G. Tốc độ tối thiểu của mạng này cần đạt 100Mbps.

Theo nhiều chuyên gia, việc 5G được thương mại hóa sẽ mang lại những giá trị mới trong chuyển đổi số, phát triển xanh. Tuy nhiên, phát triển 5G cần phải có chiến lược dài hạn. Trong đó, các nhà mạng và DN vận hành phải đánh giá chuẩn về kỹ thuật hạ tầng và nâng cấp thiết bị sao cho tương thích với công nghệ 5G.

Ngoài ra, khi các thiết bị và hệ thống quản lý được chuyển sang sử dụng mạng 5G, DN cần cân nhắc xây dựng các giải pháp bảo mật mạnh mẽ bảo đảm an toàn dữ liệu; nghiên cứu và ứng dụng bổ sung các công nghệ tiên tiến như AI và IoT, vốn hoạt động tối ưu trên nền tảng 5G. Điều này giúp các DN không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tăng tính cạnh tranh và đổi mới trong tương lai.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.