Chuyển đổi số đến từng ngõ ngách cuộc sống
Chính quyền địa phương, các đơn vị viễn thông đang nỗ lực để không chỉ lan tỏa tinh thần, mà cơ sở hạ tầng cũng phải bảo đảm để chuyển đổi số đến được với từng người dân, từng thôn, ấp khu phố.
Nhà mạng VNPT Vinaphone đang thực hiện đồng thời việc tắt sóng 2G và phủ sóng các trạm phát sóng công nghệ cao hơn. |
Giúp người dân tiếp cận công nghệ số đơn giản, thiết thực
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hàng tuần, các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) ấp Phước Thái, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền đến tận nhà từng người dân để hướng dẫn bà con sử dụng các nền tảng số cơ bản phục vụ đời sống và tương tác với chính quyền như thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt định danh điện tử, chữ ký số cá nhân… Anh Nguyễn Trung Nguyên, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ ấp Phước Thái cho biết, với 7 thành viên là dân quân, đoàn viên thanh niên, nắm khá rõ về các ứng dụng cơ bản, lại là người địa phương nên mọi người trong tổ khá thuận lợi khi đến hướng dẫn cho bà con trong ấp.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, người dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, trước đây, gặp nhiều khó khăn khi thanh toán một số chi phí như tiền điện, nước, nhưng nhờ Tổ CNSCĐ hướng dẫn nên chị đã có thể tự thanh toán qua internet, không cần đi lại nhiều mất công như trước đây.
Còn tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền, nhờ hoạt động tích cực, hiệu quả của 6 Tổ CNSCĐ mà đến nay 100% hộ sản xuất nông nghiệp đã có tài khoản trên sàn thương mại điện tử. Toàn bộ cơ sở bán lẻ đều chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 95% hóa đơn điện, nước được thanh toán trực tuyến. Hơn 24% dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân.
Theo ông Lê Việt Trung, Phó Giám đốc Sở TT-TT, trên địa bàn tỉnh có 503 Tổ CNSCĐ với hơn 3.000 thành viên. Đây chính là lực lượng nòng cốt, sâu sát với người dân nhất; qua đó, giúp người dân tại từng thôn, ấp, khu phố tiếp cận môi trường số, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để trở thành công dân số trong tương lai.
Ông Trung cho biết: “Tổ CNSCĐ thực sự có sứ mệnh hỗ trợ, giúp người dân trên địa bàn tỉnh thay đổi tư duy, tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, thiết thực, hiệu quả; trở thành những tuyên truyền viên, huấn luyện viên cơ sở về chuyển đổi số, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số mạnh mẽ hơn nữa”.
Phát triển mạnh mẽ hạ tầng số
Cùng với việc lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi số đến từng “ngõ ngách” của cuộc sống, các đơn vị viễn thông tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số. Đặc biệt, hiện nay, các nhà mạng đang tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số trong tương lai.
Theo đại diện Viettel Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến thời điểm này, nhà mạng có hơn 700 trạm BTS thu, phát sóng viễn thông 3G, 4G, phủ kín toàn bộ trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, vừa qua, Viettel cũng đã đầu tư 5 trung tâm lưu trữ dữ liệu Data bảo đảm đáp ứng được tất cả việc nâng cấp công nghệ trong thời gian tới. Cùng với đó, Viettel cũng đang đồng hành với tỉnh xây dựng các nền tảng dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đã hoàn thành 12/15 chỉ tiêu về chính quyền số. Trong đó, có các nội dung nổi bật như: Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo sử dụng trợ lý ảo, khai thác dữ liệu từ Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh qua tài khoản được cấp đạt 100%; Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn thông tin đạt 100%... |
Với nhà mạng VNPT Vinaphone, ông Phạm Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Vinaphone Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sau khi có chủ trương của Bộ TT-TT về tắt sóng 2G, nhà mạng đã chủ động tắt khoảng 60 trạm có mức sử dụng thấp, không có lưu lượng. “Song song đó, chúng tôi cũng đầu tư mạnh để tăng số trạm BTS 4G lên hơn 600 trạm để bảo đảm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”, ông Trường nói.
Cùng với đó, hiện nay, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân vẫn đang sử dụng điện thoại “cục gạch” 2G only chuyển sang sử dụng các dòng điện thoại 4G, phục vụ cho việc tắt sóng 2G vào 15/10. Việc tắt sóng 2G nhằm tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, tối ưu chi phí vận hành và khai thác cho hệ thống mạng 4G, 5G.
Bài, ảnh: QUANG VINH