.

Không kịp số hóa, doanh nghiệp sẽ tụt hậu

Cập nhật: 17:45, 25/05/2023 (GMT+7)

Chuyển đổi số là bắt buộc, nếu doanh nghiệp không sớm thích ứng, không kịp bước số hóa sẽ bị tụt hậu - Đó là nhận định được thống nhất cao tại chương trình Cà phê doanh nhân tháng 5 với chủ đề “chuyển đổi số trong chính quyền và DN”,  tổ chức vào sáng 25/5 tại TP. Vũng Tàu. 

Chuyển đổi số đang được triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực. Trong ảnh: Các lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận tại Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.
Các lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận tại Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.

Rào cản khiến DN khó thực hiện chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Văn Bùi, Bí thư Đảng bộ DN ngoài nhà nước TP. Vũng Tàu, đơn vị đồng tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam  đang diễn ra nhanh và bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội (lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế và nông nghiệp)... Chuyển đổi số đã góp phần tăng tốc hiệu suất công việc, nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu chi phí và đặc biệt là tăng lợi nhuận, mang lại sự linh hoạt cho DN.

Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HNĐN TP. Vũng Tàu phát biểu tại chương trình.
Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HNĐN TP. Vũng Tàu phát biểu tại chương trình.

Tuy nhiên, mức độ chuyển đổi số ở các DN trên địa bàn tỉnh còn thấp và chưa đồng đều. Vẫn có một tỷ lệ lớn các DN chưa sẵn sàng chuyển đổi số. 

Ngoài nguyên nhân từ chính các DN như: tư duy, nhận thức, thiếu vốn, thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số, thiếu nhân lực, thông tin và tâm lý ngại thay đổi tập quán kinh doanh… còn có rào cản về khung pháp lý, hạ tầng công nghệ...

Ông Đào Trung Kiên, Giám đốc công ty Minh Việt cho rằng DN nhỏ và vừa thiếu nguồn lực trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Ông Đào Trung Kiên, Giám đốc công ty Minh Việt cho rằng DN nhỏ và vừa thiếu nguồn lực trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Đồng thuận với ý kiến trên, ông Đào Trung Kiên, Giám đốc Công ty Minh Việt (TP. Vũng Tàu) cho rằng, việc các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong chuyển đổi số là do tiềm lực kinh tế hạn hẹp. Trong khi chuyển đổi số là quá trình tốn kém. 

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Hoàng Ngọc Linh, Giám đốc khách sạn Green Vũng Tàu cho rằng, về phía chính quyền một số lĩnh vực cũng chưa thực sự được số hóa hiệu quả. Chẳng hạn, Vũng Tàu là thành phố du lịch, song việc áp dụng chuyển đổi số trong ngành này còn mờ nhạt. Đơn cử như hiện nay, thay vì thực hiện thông qua các nền tảng số, việc đăng ký lưu trú cho khách hàng của các khách sạn vẫn phải thực hiện theo phương thức truyền thống. Nghĩa là nhân viên vẫn phải trực tiếp tới đăng kí lưu trú cho khách tại các điểm theo quy định của chính quyền địa phương. Điều này vừa mất thời gian, lãng phí nguồn nhân lực lại hiệu qủa không cao.

Ngoài ra, ông Linh cũng đề xuất việc áp dụng cảm biến thông minh để giám sát trên một số lĩnh vực như giao thông, môi trường. Đặc biệt là tại một số điểm du lịch để cảnh báo nguy hiểm cho du khách, nhận biết và phát tín hiệu về cứu nạn cứu hộ trên biển để kịp thời xử lý các tình huống xấu xảy ra.

Đề xuất thêm về việc ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch, bà Bùi Thanh Yến, Chủ tịch CLB nữ doanh nhân TP. Vũng Tàu đề nghị chính quyền địa phương nên cân nhắc việc xây dựng mã QR code tập hợp danh sách các địa điểm vui chơi giải trí, đặc sản địa phương uy tín và các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Hệ thống QR code này sẽ được triển khai tại một số tuyến đường chính, địa điểm trung tâm để khách du lịch dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu khi tới Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bà Yến cũng cho rằng, địa phương nên triển khai nhiều hơn nữa các đợt tập huấn, hội thảo, chương trình hỗ trợ để DN tiếp cận với chuyển đổi số. Đồng thời đa dạng các hình thức tiếp cận thông tin để DN tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tổ chức các tổ công tác lưu động để hỗ trợ người dân và DN trong việc tiếp cận chuyển đổi số.

Thực hiện chuyển đổi số, nhiều DN còn gặp khó khăn về tài chính, nhân lực.  Trong ảnh: Đóng tàu tại Công ty TNHH Vard KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu.
Thực hiện chuyển đổi số, nhiều DN còn gặp khó khăn về tài chính, nhân lực. Trong ảnh: Đóng tàu tại Công ty TNHH Vard KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu.

Thúc đẩy phát triển chuyển đổi số

Theo lãnh đạo TP. Vũng Tàu, thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, hiện nay, địa phương cũng đang triển khai các chương trình chiến lược đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực chính bao gồm: phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, các đơn vị cũng đã tham mưu UBND thành phố thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số. Đồng thời triển khai thành lập Tổ kiểm tra công tác chuyển đổi số, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tới người lao động, DN, các đơn vị tích cực nghiên cứu triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương, chủ động sáng tạo nhiều mô hình mới trong phong trào thực hiện chuyển đổi số.

Phát biểu tại chương trình, bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HNĐN TP. Vũng Tàu nhấn mạnh, chính quyền TP. Vũng Tàu luôn ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các DN, doanh nhân về lĩnh vực chuyển đổi số của địa phương hiện nay.

Bà Bình cho rằng, mặc dù đã triển khai trên nhiều lĩnh vực, song chuyển đổi số tại địa phương hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, tại một số lĩnh vực việc chuyển số đổi số chưa thực sự hiệu quả trong đó có du lịch. Do còn nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, con người cũng như nguồn lực nên nhiều lĩnh vực chuyển đổi số còn hời hợt, thiếu chiều sâu và mang tính hình thức.

Cũng theo bà Bình, hiện nay việc tương tác giữa người dân, DN và chính quyền địa phương về chuyển đổi số vẫn chưa cao. Các thông tin và cách truyền tải về chuyển đổi số chưa thực sự hấp dẫn nên chưa thu hút được nhiều đối tượng. 

Đối với những ý kiến đóng góp của các doanh nhân, DN tại chương trình, lãnh đạo thành phố sẽ nghiệm túc ghi nhận, xem xét đưa các ý kiến vào nội dung chuyển đổi số của địa phương trong thời gian tới. Đồng thời khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN trong việc thực hiện chuyển đổi số. “Trong thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức gặp gỡ các DN để lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc cho DN trong việc thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, giúp DN tiếp cận được các lĩnh vực chuyển đổi số, vận dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung”, bà Bình thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Trong năm 2023, TP. Vũng Tàu đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong DN nhỏ và vừa, trong đó, đã đẩy nhanh quá trình đưa các sản phẩm tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử. Cụ thể, hiện 100% DN trên địa bàn thành phố đã sử dụng hoá đơn điện tử; 193 hộ sản xuất nông nghiệp đã được triển khai hướng dẫn thực hiện chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên sản thương mại điện tử nông nghiệp; 880/997 DN, cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố có wibsite thương mại điện tử hoặc có ấn phẩm đăng trên các sàn thương mại điện tử. Thành phố cũng đã tạo được 16 mã QR code tại các khu di tích và danh lam thắng cảnh. Đồng thời, triển khai nghiên cứu đề xuất chủ trương số hoá các địa danh du lịch TP. Vũng Tàu tạo ứng dụng và chuyên trang du lịch thành phố dựa trên nền tảng du lịch ảo 360 độ.

 

 

 

.
.
.