.
HUYỆN CHÂU ĐỨC

Bứt phá trong chuyển đổi số

Cập nhật: 20:42, 29/12/2022 (GMT+7)

Thông qua phát triển chuyển đổi số (CĐS), huyện Châu Đức hy vọng sẽ nhanh chóng hoàn thiện chính quyền số, công dân số để phát triển kinh tế số. Từ đó kéo gần khoảng cách với các địa phương khác về hành chính, kinh tế...

Cán bộ Bộ phận một cửa thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cán bộ Bộ phận một cửa thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Chính quyền đã sẵn sàng

Đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ DVCTT (Dịch vụ công trực tuyến) của huyện Châu Đức chỉ đạt khoảng 4-5% thì cuối năm 2022,  100% thủ tục hành chính (TTHC) dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đều được xử lý trên môi trường mạng. Có được sự bứt phá mạnh mẽ này chính là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo huyện để thực hiện CĐS đồng bộ từ huyện đến xã, thị trấn, thậm chí cả thôn, ấp, khu phố.

Buổi sáng đầu tuần, Bộ phận một cửa UBND huyện Châu Đức có rất đông người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Vừa tiếp nhận hồ sơ, cán bộ, công chức vừa tận tình tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 để giải quyết TTHC.

Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, là huyện có tỷ lệ hộ dân làm nông nghiệp cao nên việc sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) của người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã còn hạn chế. Để người dân không chỉ tiếp cận mà dần làm quen với việc sử dụng DVCTT, UBND huyện đã chỉ đạo Bộ phận một cửa thường xuyên cử cán bộ trực, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến khi đến giải quyết TTHC. Cùng với đó, địa phương lựa chọn một số thủ tục dễ thực hiện, phát sinh nhiều hồ sơ như cấp lý lịch tư pháp, cấp đổi thẻ BHYT, cấp đổi bằng lái xe, đăng ký kinh doanh… để hướng dẫn người dân tạo tài khoản và đăng ký nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến.

Trong khi đó, tại Bộ phận một cửa UBND thị trấn Ngãi Giao ngoài các khu vực tiếp nhận hồ sơ như trước, thị trấn còn bố trí thêm máy tính, máy scan và giao trách nhiệm cho công chức phụ trách CNTT hướng dẫn người dân cách thực hiện đăng ký hồ sơ qua DVCTT.

“Hiện nay, thị trấn Ngãi Giao đã cung cấp 102 bộ TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tỷ lệ 100%. Ban đầu người dân và DN còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí cán bộ cũng vất vả nhưng khi đã vào nề nếp thì chắc chắn CĐS sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho chính quyền và cả người dân”, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Ngãi Giao nói.

Ngoài ra, UBND huyện thường xuyên đăng tải văn bản hành chính, tài liệu góp phần công khai hóa TTHC, minh bạch thông tin, phục vụ ngày càng hiệu quả cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cần sự chung sức của người dân

Ông Nguyễn Tấn Bản khẳng định, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) hướng tới chính quyền số (CQS), kinh tế số, xã hội số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Tại huyện Châu Đức, việc triển khai CQĐT để thực hiện tốt hơn vai trò của chính quyền đối với công dân và phát triển, hướng đến CQS, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của người dân và DN. Đến nay huyện Châu Đức đã sẵn sàng hạ tầng để đáp ứng nhu cầu CĐS. Tuy nhiên để CQS hoạt động hiệu quả thì cần sự vào cuộc của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hoan (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) chia sẻ: “Trước đây, do chưa thành thạo sử dụng CNTT nên tôi rất e ngại khi sử dụng DVCTT. Được các cán bộ hướng dẫn tận tình nên giờ tôi đã quen và có thể gửi nhận hồ sơ trực tuyến một cách dễ dàng”.

“Châu Đức xác định CĐS là việc mới, việc khó, cần được cụ thể hóa, chia sẻ cách làm, con đường đi cho địa phương. Với mong muốn “CĐS vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”, trong thời gian tới, Châu Đức sẽ nỗ lực góp sức cùng tỉnh bứt phá, vươn lên trong công cuộc CĐS”, ông Nguyễn Tấn Bản nhấn mạnh.

Năm 2023 huyện sẽ tập trung làm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Mặc dù kế hoạch tỉnh giao cho huyện châu Đức năm 2023 là tỷ lệ giải quyết TTHC trên môi trường mạng đạt 50% nhưng huyện đặt mục tiêu phấn đấu đạt 100%. Song song đó, trong năm 2023 huyện sẽ hoàn thành việc mở tài khoản ngân hàng cho người dân địa phương; tạo điều kiện cho hộ sản xuất liên kết sản xuất trên môi trường mạng, bán hàng trên sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ phát sinh hàng ngày. Đồng thời, 94 tổ công nghệ số cộng đồng sẽ đến từng nhà dân ở khắp các xã, thị trấn hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng và sử dụng DVCTT, thanh toán không dùng tiền mặt…

Với các giải pháp đồng bộ trên, huyện Châu Đức tin tưởng sẽ tiếp tục bứt phá các nhiệm vụ CĐS trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của UBND huyện Châu Đức, hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị thuộc huyện áp dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành trong hoạt động hành chính; 100% văn bản đến, đi được xử lý trên nền tảng điện tử, không sử dụng văn bản giấy (trừ những văn bản mật); 100% lãnh đạo quản lý các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và UBND xã, thị trấn được cấp chữ ký số và thực hiện ký số văn bản điện tử đáp ứng quy định hiện hành; 100% CBCCVC được cấp thư điện tử công vụ phục vụ cho công việc trên các ứng dụng như phần mềm quản lý văn bản điện tử, hệ thống một cửa điện tử và thư điện tử công vụ để trao đổi công việc hành chính. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.