.

Từ 12 giờ 1/6/2021: Tạm ngừng tắm biển, dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách đi - về từ vùng dịch

Cập nhật: 22:56, 31/05/2021 (GMT+7)

21 giờ ngày 31/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn đã ký văn bản số 6006, về tăng cường các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ 12 giờ, ngày 1/6/2021, tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy đi - về từ vùng dịch; tạm ngừng hoạt động tắm biển và các dịch vụ ăn uống tại chỗ. Báo BR-VT xin giới thiệu nội dung văn bản 6006.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là các tỉnh, thành lân cận, để chủ động ngăn chặn và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh yêu cầu:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả văn bản số 5919/UBND-VP ngày 28/5/2021 của UBND tỉnh, đồng thời tạm dừng thêm một số hoạt động:

 Phương tiện vận tải hành khách đường bộ, đường thủy đến Bà Rịa - Vũng Tàu từ vùng dịch và qua vùng dịch; các phương tiện vận tải hành khách đường bộ, đường thủy từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi đến vùng dịch;

Riêng tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy đến Côn Đảo, được phép hoạt động nhưng phải kiểm soát chặt chẽ số người làm việc trên tàu. Trước khi rời tàu lên bờ phải thực hiện kiểm dịch y tế; khi lên bờ phải thực hiện cách ly y tế tại nơi lưu trú như đối tượng F2 trong thời gian chờ phương tiện xuất bến để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Giao UBND huyện Côn Đảo chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan quản lý, giám sát các đối tượng nêu trên khi lưu trú trên đảo;

 Tạm ngưng các dịch vụ ăn, uống, giải khát phục vụ tại chỗ. Khuyến khích hình thức bán hàng mang đi;

 Tạm ngưng các hoạt động tắm biển.

2. Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng chống dịch. Các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường hơn nữa thời gian, thời lượng và đa dạng hình thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về tác hại, hậu quả nếu để dịch bệnh phát sinh, xâm nhập và lan rộng trên địa bàn tỉnh, việc xử lý các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch;

- Đối với các cơ quan, đơn vị phải có phương án phòng chống dịch tại trụ sở, chủ động phân công, bố trí một phần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý luân phiên làm việc trực tuyến, từ xa để triển khai công việc trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo không để đình trệ, ách tắc công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật. Hạn chế tối đa tiếp xúc với người ngoài tỉnh, trừ các trường hợp vì lý do công vụ hoặc trường hợp thật sự cần thiết;

Tuyên truyền, vận động người dân có người thân đang sinh sống và làm việc tại các địa phương có dịch không về tỉnh trong thời điểm này. Trường hợp thực sự cần thiết phải thông báo cho địa phương nơi lưu trú biết để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

3. Công an tỉnh:

a) Chủ trì, phối với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, các ngành chức năng:

- Triển khai hiệu quả các chốt kiểm tra liên ngành kiểm soát về khai báo y tế và giao thông vận tải; kiểm soát chặt chẽ lượng người ra vào tỉnh, không bỏ sót đối tượng đi về từ vùng có dịch, lưu ý khi thực hiện khai báo y tế phải đối chiếu trùng khớp căn cước công dân; cung cấp ngay thông tin cho các địa phương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phối hợp xử lý kịp thời nếu có trường hợp trở về từ vùng dịch và có dấu hiệu ho, sốt,...;

- Trường hợp người về từ những địa điểm đang áp dụng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải đưa đi cách ly y tế tập trung theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

4. Sở Y tế:

- Dự báo tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh;

- Tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở cách ly, bảo đảm thực hiện nghiêm quy trình cách ly, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly và không để dịch lây lan ra cộng đồng; sẵn sàng phương án mở rộng, nâng cao năng lực của các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh;

- Đối với việc theo dõi, giám sát các trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương cư trú, lưu trú: Sở Y tế kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin cho các địa phương những trường hợp đã hết cách ly tập trung trở về để tiếp tục thực hiện việc cách ly, giám sát, theo dõi sức khỏe, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến cách ly, theo dõi y tế sau hoàn thành cách ly tập trung bảo đảm chặt chẽ, dễ thực hiện, dễ giám sát, dễ kiểm tra và rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân;

- Tăng cường dự trù thuốc, vật tư, thiết bị y tế, đội ngũ y bác sĩ đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong tình hình dịch hiện nay;

- Hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp, phương thức điều trị, xét nghiệm, xây dựng phương án phòng chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra trên diện rộng theo phương châm 04 tại chỗ;

- Chuẩn bị sẵn sàng phương án thiết lập Bệnh viện dã chiến;

- Hướng dẫn cụ thể việc khai báo y tế, đặc biệt là các trường hợp có dấu hiệu dịch tễ không rõ ràng, cần phải nâng mức độ xử lý phù hợp để bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch. Cụ thể: từ F3 lên F2,...;

- Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin đợt 3 theo Quyết định số 2499/QĐ-BYT ngày 20/5/2021 của Bộ Y tế;

- Căn cứ tình hình diễn biến dịch, nghiên cứu đề xuất phương án xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2 cho các đối tượng sau:

Học sinh, sinh viên về tỉnh trong thời điểm này;

Người làm trong lĩnh vực dịch vụ, thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng (nhân viên khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm,…);

Chuyên gia, lao động kỹ thuật cao ở ngoài tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp;

Công nhân, nhân viên, người lao động tại các bến cảng, bến tàu, khu công nghiệp.

5. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

- Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện sắp xếp khung giờ, ca kíp, số lượng các chuyên gia, người lao động làm việc phù hợp và khoa học (phân công làm việc theo ca, giảm số lượng người tập trung trong một phòng). Đồng thời, yêu cầu chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động ký cam kết với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chính quyền địa phương;

- Thành lập các Tổ giám sát Covid-19 trong các khu công nghiệp. Quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc di chuyển ra vào tỉnh của chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả;

- Khuyến khích doanh nghiệp làm việc theo hình thức trực tuyến;

- Đối với chuyên gia, lao động ngoài tỉnh đến từ địa điểm có dịch (xem như là F1) phải thực hiện cách ly y tế tập trung, vùng có dịch (xem như là F2) phải thực hiện cách ly và theo dõi sức khỏe tại nơi làm việc hoặc nơi lưu trú theo quy định. Yêu cầu chủ doanh nghiệp và cá nhân chuyên gia, người quản lý phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của mình;

- Yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nói riêng dừng ngay việc bố trí xe đưa đón công nhân đến từ các địa phương đang bùng phát dịch cho đến khi dịch bệnh tại các tỉnh, thành này được kiểm soát và UBND tỉnh có thông báo mới;

- Yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp khi kiểm tra đo thân nhiệt cho người lao động không để xảy ra tình trang tập trung đông người.

6. Sở Du lịch:

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý khách sạn, resort, cơ sở lưu trú trên địa bàn theo yêu cầu 5K;

Kiểm soát chặt chẽ du khách đến tỉnh, đặc biệt phải khai báo y tế theo quy định (khuyến khích khai báo điện tử).

7. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác phòng chống dịch tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt lưu ý: yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, không để tập trung đông người trước cửa, bên trong khu vực kinh doanh, buôn bán.

8. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp Sở Y tế và UBND huyện Long Điền khẩn trương đưa Trung đoàn Minh Đạm vào sử dụng làm cơ sở cách ly y tế tập trung kể từ ngày 01/6/2021.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

 Tăng cường quản lý người dân trên địa bàn theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người từ các tỉnh vào Bà Rịa – Vũng Tàu;

Chỉ đạo các đơn vị chức năng, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp đã hết thời hạn cách ly tập trung trở về địa phương và các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế tại nhà theo quy định;

Nâng cao hiệu quả hoạt động các Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng. Rà soát, kiện toàn và tổ chức động viên khen thưởng kịp thời;

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, nhất là việc tập trung đông người, đeo khẩu trang. Hoàn thiện phương án phòng chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra trên diện rộng theo phương châm 04 tại chỗ;

Chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở cách ly, điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, bảo đảm mỗi địa phương sẵn sàng tiếp nhận ít nhất 400 trường hợp cách ly tại bất cứ thời điểm nào (trừ huyện Côn Đảo);

Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm soát giao thông, nhất là tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào tỉnh.

Thời gian áp dụng các nội dung nêu trên bắt đầu từ 12 giờ ngày 1/6/2021 cho đến khi có thông báo mới./.

 

.
.
.