.

Nỗ lực khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh

Cập nhật: 10:10, 23/07/2019 (GMT+7)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, BR-VT là địa bàn chiến lược quan trọng, được quân đội Mỹ và đồng minh sử dụng để triển khai lực lượng vào chiến trường Nam bộ nhằm cứu vãn tình thế sau thất bại ở chiến dịch Bình Giã cuối năm 1964. Do đó, đây là nơi tập trung một lượng lớn về bom, mìn, chất độc hóa học được Mỹ và quân chư hầu sử dụng nhằm càn quét, tiêu diệt lực lượng ta.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tiến hành tiêu hủy bom mìn, vật liệu nổ thu gom sau chiến tranh
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tiến hành tiêu hủy bom mìn, vật liệu nổ thu gom sau chiến tranh.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, tỉnh BR-VT cùng các địa phương trong cả nước đã tiến hành triển khai rà phá, xử lý bom, mìn, đạn cấp 5 cũng như thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về “Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam” đạt được những kết quả to lớn, thiết thực. LLVT tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm về thu gom, mua bán, tàng trữ, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến người dân; khuyến khích người dân phát hiện và phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm về thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn.

Trong 10 năm (2008 – 2018), toàn tỉnh đã thu gom và xử lý gần 100 ngàn tấn bom mìn, vật liệu nổ các loại. Riêng đối với chất độc hóa học “CS” đã được nhân dân phát hiện trên địa bàn các huyện: Xuyên Mộc, Long Điền và Đất Đỏ, LLVT tỉnh đã tiến hành cất bốc, tiêu hủy, đồng thời phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường các địa phương tiến hành cùng LLVT làm sạch khu vực nơi phát hiện chất độc hóa học, bảo đảm môi trường cho nhân dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản không còn chất độc hóa học do chiến tranh để lại.

Theo thiếu tá CN Nguyễn Ngọc Huyên, Trợ lý Quân khí, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh, người có thâm niên trong công tác xử lý bom mìn chia sẻ: “Thoạt nhìn, những quả bom, đạn pháo nằm sâu trong lòng đất suốt mấy chục năm trời thường bị rỉ sét, song các bộ phận kích nổ còn nguyên công năng và có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi bị tác động. Ranh giới giữa sự sống và cái chết trong gang tấc nên người chiến sĩ không chỉ làm việc bằng khối óc, bằng bàn tay khéo léo mà còn cần sự dũng cảm”.

Thượng tá Phan Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh cho biết thêm: “Xử lý bom mìn là công việc đòi hỏi tinh thần thép, tập trung cao độ, hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ và chính xác 100%. Bởi chỉ một sai sót nhỏ có thể phải trả giá bằng tính mạng của bản thân và đồng đội. Do đó, để làm tốt nhiệm vụ này, ngoài việc “thuộc bài”, nắm vững quy tắc, thuần thục trong từng động tác tức là phải được huấn luyện thường xuyên thì người lính còn cần phải có bản lĩnh và lòng dũng cảm”.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH năm 2016, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15,35 triệu tấn, tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5%. Theo ước tính, lượng bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc, để lại hậu quả hết sức nặng nề về nhiều phương diện. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn sót lại đã phát nổ làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó chủ yếu là lao động chính trong gia đình và trẻ em, trong đó có khoảng 30% số vụ nổ là do người dân tự ý thu gom, tàng trữ, mua bán, tháo gỡ bom, đạn.

44 năm sau ngày giải phóng, quê hương BR-VT hôm nay đã thay da, đổi thịt, những vết thương chiến tranh đã lành và hồi sinh. Kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch ngày càng phát triển. Có được thành quả đó là, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền địa phương, công tác tham mưu và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh trong việc tuyên truyền, quản lý, phát hiện, thu gom và xử lý bom mìn trên địa bàn tỉnh những năm qua, góp phần bảo vệ môi trường sống và sự bình an cho nhân dân tỉnh nhà.

LÊ THỊ THU

(Bộ CHQS tỉnh)

 

.
.
.