.

Cần những giải pháp đột phá, tạo đà cho du lịch BR-VT phát triển

Cập nhật: 20:21, 30/06/2020 (GMT+7)

BR-VT là một tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nhiều bãi biển đẹp, giàu tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để BR-VT sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam nói riêng và của cả nước nói chung.

Những năm qua, du lịch BR-VT đã được đầu tư trên nhiều mặt từ cơ sở hạ tầng giao thông, vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực du lịch. Trong ảnh: Du khách chơi trượt cỏ tại Hồ Mây Park.
Những năm qua, du lịch BR-VT đã được đầu tư trên nhiều mặt từ cơ sở hạ tầng giao thông, vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực du lịch. Trong ảnh: Du khách chơi trượt cỏ tại Hồ Mây Park.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành nhiều chính sách quan trọng định hướng cho du lịch phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, du lịch BR-VT đã được đầu tư trên nhiều mặt từ cơ sở hạ tầng giao thông, vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực du lịch. Nhiều dự án du lịch chất lượng cao đã hình thành và hoạt động kinh doanh có hiệu quả như: Khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro, KDL phức hợp Hồ Tràm Strip, KDL Cáp Treo Hồ Mây, KDL Suối khoáng Bình Châu. Vì vậy, lượng khách du lịch đến BR-VT tăng nhanh qua các năm. Nếu như 2016, BR-VT mới đón tiếp phục vụ được 8,6 triệu lượt khách thì đến năm 2019, đã đón được 16 triệu khách, trong đó có gần 500 nghìn khách du lịch quốc tế.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế khiến cho du lịch chưa phát triển tương xứng với vị trí, điều kiện của tỉnh. Cụ thể là hạn chế về chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ cao cấp, thủ tục đầu tư, trình độ nhân lực du lịch, năng lực, quy mô DN du lịch, công tác xúc tiến quảng bá du lịch, phối hợp liên ngành, liên vùng… Những hạn chế trên của tỉnh cũng là tình trạng chung của ngành du lịch Việt Nam hiện nay. Do đó, đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ, đột phá giải quyết những khó khăn nêu trên, tạo đà cho du lịch phát triển.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch BR-VT tăng tốc phát triển, sớm lấy lại vị trí điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á, BR-VT cần phát huy hơn nữa lợi thế so sánh của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện tài nguyên du lịch. Đó là triển khai hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2014. Theo đó, BR-VT được xác định nằm trong không gian phát triển du lịch biển đảo, trong đó chú trọng địa bàn đô thị du lịch Vũng Tàu, Xuyên Mộc và KDL Quốc gia Côn Đảo. Các hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: nghỉ dưỡng và tắm biển, chữa bệnh, tham quan di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh, hội nghị hội thảo và du lịch tàu biển. Đồng thời hình thành các tuyến du lịch chuyên đề nghỉ dưỡng biển cuối tuần, du lịch sinh thái biển và tham quan di tích lịch sử Côn Đảo. Phát triển các tuyến du lịch quốc gia gắn với hệ thống đường hàng không, đường bộ, đường thủy như kết nối trực tiếp với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay và Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai không xa.

BR-VT cần tiếp tục nghiên cứu, tạo ra cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, DN kinh doanh du lịch, tích cực hỗ trợ các dự án du lịch cao cấp; tạo thuận lợi đơn giản hóa thủ tục về thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế khi đến với BR-VT qua đường tàu biển. Mặt khác, các quy định pháp luật cần phải được thực hiện nghiêm, không để xảy ra tình trạng kinh doanh chụp giật, làm giá, ép giá du khách nhất là trong thời gian mùa vụ cao điểm du lịch. Đặc biệt, BR-VT cần huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, tập trung triển khai các quy hoạch như: Quy hoạch chung tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo, KDL Bến Cát Hồ Tràm, KDL Quốc gia Long Hải - Phước Hải, KDL Quốc gia Côn Đảo...

Để ngành du lịch phát triển, trong những năm tới, BR-VT cũng cần ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch vùng Đông Nam bộ và quy hoạch du lịch tổng thể của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

NGUYỄN TRÙNG KHÁNH (Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam)

.
.
.