.

Tăng kỷ luật hành chính, bảo đảm hiệu lực xét xử - Cần chế tài cụ thể trong tố tụng hành chính

Cập nhật: 15:06, 26/05/2025 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận về Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tham gia góp ý tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã tập trung kiến nghị nhiều điểm còn bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xét xử và thi hành án hành chính.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội: “Tăng kỷ luật hành chính, bảo đảm hiệu lực xét xử - Cần chế tài cụ thể trong tố tụng hành chính”.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội: “Tăng kỷ luật hành chính, bảo đảm hiệu lực xét xử - Cần chế tài cụ thể trong tố tụng hành chính”.

Theo Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, một trong những bất cập lớn là việc thiếu chế tài xử lý khi người đại diện phía cơ quan hành chính thường là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND không tham dự phiên tòa, không đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn.

“Thực tế cho thấy rất ít vụ án có lãnh đạo UBND trực tiếp tham dự, gây khó khăn cho tranh tụng và làm giảm hiệu lực xét xử”, ông nhấn mạnh và đề xuất bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm, kỷ luật hành chính trong tố tụng để tăng tính răn đe và bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề cập đến vướng mắc tại Điều 60 khi quy định việc ủy quyền trong tố tụng. Luật hiện hành chỉ cho phép Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch, trong khi trên thực tế, việc ủy quyền cho lãnh đạo cơ quan chuyên môn lại phổ biến hơn. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn giữa pháp luật và thực tiễn.

Theo ông Hùng, cần cân nhắc: hoặc giữ nguyên quy định để đảm bảo trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu, hoặc mở rộng theo hướng hợp lý, cho phép ủy quyền có điều kiện cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn - người am hiểu vụ việc, có kiến thức pháp lý, chuyên môn để đảm bảo hiệu quả tranh tụng.

Một nội dung khác được đại biểu đặc biệt lưu ý là việc giải thích bản án theo Điều 310. Dù luật quy định thời hạn 15 ngày, nhưng lại không có chế tài nếu Tòa án vi phạm thời hạn này, dẫn đến tình trạng kéo dài thi hành án. Ông đề nghị bổ sung trách nhiệm cụ thể đối với Tòa án để bảo đảm kỷ cương pháp lý.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan hành chính nếu cố tình không thi hành hoặc để tồn đọng bản án hành chính, bởi hiện nay Nghị định 71/2016/NĐ-CP mới chỉ dừng lại ở trách nhiệm tổ chức mà chưa có chế tài cá nhân cụ thể.

Cuối cùng, đối với những bản án đã thi hành nhưng sau đó bị thay đổi qua giám đốc thẩm, tái thẩm - đặc biệt là các vụ việc liên quan đến đất đai, tài sản đã chuyển dịch, ông Hùng cho rằng cần có hướng dẫn thống nhất về trách nhiệm thông báo, xử lý, tổ chức thi hành nhằm bảo đảm tính ổn định và hiệu lực của bản án.

Phát biểu của Đại tá Nguyễn Tâm Hùng đã phản ánh rõ những khoảng trống pháp lý và khoảng cách giữa luật định với thực tiễn xét xử, đồng thời đưa ra các kiến nghị có tính khả thi cao, góp phần hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính - một lĩnh vực ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục tham gia tranh luận tại phiên họp về tình hình thi hành án hành chính, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đã nêu rõ một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến công tác này còn nhiều khó khăn, tồn đọng là do pháp luật tố tụng hành chính hiện nay vẫn thiếu các chế tài đủ mạnh để bảo đảm trách nhiệm và nghĩa vụ của người đứng đầu chính quyền địa phương trong quá trình tố tụng.

Theo đại biểu Hùng, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý trong trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa, không tham gia đối thoại hay không cung cấp chứng cứ theo thời hạn yêu cầu của Tòa án. Trên thực tế, tình trạng vắng mặt có chủ đích hoặc ủy quyền không đúng thẩm quyền diễn ra phổ biến, gây cản trở hoạt động xét xử, làm suy giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó, hiện cũng chưa có cơ sở pháp lý cho phép Tòa án buộc người đứng đầu chính quyền phải có mặt tại phiên tòa hay chế tài nếu họ vi phạm nghĩa vụ tố tụng.

Một điểm bất cập khác được đại biểu chỉ ra là quy định về ủy quyền trong tố tụng hành chính còn quá hẹp. Luật hiện hành chỉ cho phép Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch, nhưng trên thực tế, nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực chuyên môn sâu như tài nguyên, pháp chế, thanh tra… lại cần sự tham gia trực tiếp của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn cấp huyện hoặc tỉnh. Tuy nhiên, những người này lại không thuộc diện được phép ủy quyền theo quy định, khiến nhiều phiên tòa phải hoãn hoặc xét xử thiếu tính hiệu quả.

Đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính để mở rộng diện người được phép ủy quyền phù hợp với thực tiễn, đồng thời bổ sung các chế tài xử lý trách nhiệm rõ ràng nhằm nâng cao tính tuân thủ, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống tư pháp hành chính.

Cuối phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tiếp thu, làm rõ các ý kiến phát biểu tại kỳ họp, trong đó đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Tâm Hùng góp ý và khẳng định đây là những ý kiến xác đáng, cần thiết, sẽ nghiên cứu để bổ sung vào pháp luật cho phù hợp.

 

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

.
.
.