.

Cần bổ sung cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người yếu thế và minh bạch hóa trách nhiệm khi chuyển giao dữ liệu

Cập nhật: 10:38, 24/05/2025 (GMT+7)

Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm tp.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại số.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm TP.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: “Cần bổ sung cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người yếu thế và minh bạch hóa trách nhiệm khi chuyển giao dữ liệu”.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm TP. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Cần bổ sung cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người yếu thế và minh bạch hóa trách nhiệm khi chuyển giao dữ liệu”.

Đại biểu Quân nhất trí cao với sự cần thiết ban hành luật này và đánh giá Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng. Tuy nhiên, ông cho rằng dự thảo vẫn còn bỏ sót các nhóm yếu thế trong xã hội - như người khuyết tật, người già, dân tộc thiểu số, người không biết chữ, vốn dễ bị xâm phạm dữ liệu cá nhân mà không đủ khả năng tự bảo vệ.

“Tôi đề nghị bổ sung một điều luật riêng quy định về xử lý dữ liệu cá nhân đối với nhóm yếu thế. Trong đó cần bắt buộc có sự đồng ý từ người đại diện hợp pháp, trình bày thông tin bằng hình thức dễ hiểu, ngôn ngữ phù hợp và có trợ giúp kỹ thuật nếu cần thiết”, đại biểu nhấn mạnh.

Về điều 17 của dự thảo liên quan đến chuyển giao dữ liệu cá nhân, đại biểu Quân cho rằng cần có quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp bên kiểm soát dữ liệu thuê bên thứ ba xử lý dữ liệu. Ông cảnh báo nguy cơ bên thứ ba có thể lưu trữ dữ liệu ở máy chủ nước ngoài hoặc chia sẻ không kiểm soát, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Tại điều 33 về thông báo vi phạm dữ liệu cá nhân, đại biểu đề nghị phải quy định rõ nghĩa vụ thông báo cho chính chủ thể dữ liệu, chứ không chỉ báo cáo cơ quan nhà nước. Theo ông, trong các trường hợp dữ liệu bị rò rỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản, danh dự, an toàn cá nhân thì người bị ảnh hưởng cần được biết để có biện pháp ứng phó.

Ông cũng đề xuất phân loại mức độ vi phạm (nhẹ, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) để xác định rõ khi nào phải thông báo bắt buộc, đặc biệt là với dữ liệu nhạy cảm như thông tin sức khỏe, tài chính, sinh trắc học...

Đối với điều 37 về nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu cho rằng mặc dù dự thảo đã tiếp cận toàn diện từ chính sách đến giáo dục, nhưng vẫn thiếu định hướng cụ thể về đào tạo. “Phải xác định rõ đối tượng đào tạo ưu tiên, như công chức, doanh nghiệp công nghệ, hay người dân; đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo cụ thể ở từng cấp: từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến đào tạo công vụ”, ông kiến nghị.

Cuối cùng, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề xuất cần có cơ chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dữ liệu, như ưu tiên tiếp cận vốn, chính sách thuế hoặc tham gia các chương trình thí điểm công nghệ.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

.
.
.