Chiều 8/5, tiếp tục chương trình lập pháp tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại tổ thảo luận số 4, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có bài phát biểu đóng góp ý kiến đối với ba dự án luật quan trọng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Luật Thanh tra (sửa đổi).
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến: “Đồng bộ thể chế, nâng cao hiệu quả công tác tư pháp và thanh tra”. |
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định sự cần thiết sửa đổi đồng bộ cả ba đạo luật nói trên nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng theo các Nghị quyết 18, 27, 60 và Kết luận 121, 126, 127, 136 của Trung ương. Bà đánh giá cao bước đi cải cách mạnh mẽ này trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét sửa đổi Hiến pháp theo hướng tổ chức lại chính quyền địa phương hai cấp.
Về hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát: Nêu bật bài toán địa bàn tư pháp sau sáp nhập
Đại biểu tán thành với phương án tổ chức hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát theo ba cấp: trung ương, cấp tỉnh và khu vực, đồng thời không còn cấp huyện và cấp cao. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh cần quy định rõ nguyên tắc xác lập địa bàn hoạt động của TAND và VKSND khu vực để tránh trùng lặp, xung đột pháp lý và đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân - đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Đại biểu đề nghị cân nhắc phải đưa ra các tiêu chí cụ thể như mật độ dân cư, điều kiện giao thông, đặc thù vùng miền... làm căn cứ xác định địa bàn hoạt động. Đồng thời, cần quy định rõ cơ chế chuyển tiếp và hướng dẫn triển khai, bảo đảm không gián đoạn hoạt động tư pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan.
Ủng hộ lập Tòa chuyên trách - Định hình chuẩn mực xét xử hiện đại
Đại biểu Yến ủng hộ việc thành lập Tòa Kinh tế, Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Phá sản tại các TAND khu vực lớn như quy định tại khoản 13 Điều 1 dự thảo. Tuy nhiên, bà cho rằng cần quy định tiêu chí thành lập, lựa chọn địa phương phù hợp và có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chuyên sâu. Theo đại biểu, đây là bước đi quan trọng định hình chuẩn mực xét xử hiện đại và hội nhập.
Trước yêu cầu tổ chức lại đồng bộ hai ngành Tòa án và Viện Kiểm sát, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị mỗi ngành cần ban hành một nghị quyết thi hành riêng, trong đó có quy định cụ thể về việc chuyển giao hồ sơ, tài sản, nhân sự và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan nhằm đảm bảo tính khả thi và tránh xáo trộn khi áp dụng vào thực tế.
Về Luật Thanh tra (sửa đổi): Cần tinh gọn nhưng phải minh bạch và kiểm soát quyền lực
Đối với dự thảo Luật Thanh tra, đại biểu cho rằng việc rút gọn từ 118 điều xuống còn 64 điều là cần thiết để thể hiện tinh thần cải cách. Tuy nhiên, bà đề nghị cần rà soát lại một số nội dung để bảo đảm tính minh bạch và khả năng kiểm soát quyền lực. Đáng chú ý, đại biểu đề nghị không thay đổi đơn vị thời gian từ “ngày” sang “ngày làm việc” trong quy định về thời hạn thanh tra, vì điều này sẽ kéo dài đáng kể quá trình thanh tra, đi ngược lại chỉ đạo cải cách hành chính. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị làm rõ các điều kiện tạm dừng thanh tra để tránh tình trạng trì hoãn, lạm quyền.
Về xử lý chồng chéo thanh tra - kiểm tra, đại biểu Yến nhấn mạnh cần quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để tránh gây phiền hà, lãng phí nguồn lực cho tổ chức, cá nhân bị thanh tra.
Khép lại phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định: “Cải cách thể chế là yêu cầu cấp thiết, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, quyền tiếp cận công lý và giám sát quyền lực nhà nước. Các đạo luật cần được thiết kế linh hoạt nhưng chặt chẽ, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy mới”.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)