Tại phiên thảo luận Tổ đại biểu Số 4 sáng 5/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có bài phát biểu thảo luận sâu sắc, tâm huyết về hai dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Sửa đổi Hiến pháp là yêu cầu tất yếu để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. |
Hiến pháp là nền tảng chính trị - pháp lý cho từng giai đoạn phát triển của đất nước
Mở đầu phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh: Qua nghiên cứu Tờ trình số 1261, 1262 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Trải qua 5 bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay, mỗi bản đều phản ánh đặc điểm của một giai đoạn lịch sử trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Đại biểu cho rằng, Kỳ họp thứ 9 lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước đứng trước những yêu cầu cấp thiết để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, nhất là tinh thần Nghị quyết Trung ương 11 về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu đổi mới của đất nước.
Tập trung sửa đổi những nội dung then chốt, thiết lập mô hình tổ chức chính quyền tinh gọn
Đại biểu Yến đánh giá cao việc sửa đổi có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, cần rà soát các quy định của Hiến pháp liên quan đến: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, để thể chế hóa rõ hơn vai trò, vị trí và cơ chế giám sát, phản biện xã hội; Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng mô hình hai cấp - cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện, phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực quản lý.
Đại biểu Yến cũng nhấn mạnh rằng, việc sửa đổi Hiến pháp đảm bảo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới - phát triển nhanh, bền vững, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận. |
Đề cao vai trò dân chủ, yêu cầu cao trong việc lấy ý kiến Nhân dân
Đại biểu Yến đặc biệt lưu ý đến quá trình lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp và đề nghị cần có kế hoạch cụ thể lấy ý kiến Nhân dân, các chuyên gia, các cấp, các ngành, đại biểu Quốc hội đảm bảo dân chủ, thực chất.
Đại biểu Yến đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống Mặt trận, đoàn thể cần tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung trọng tâm cần góp ý, bảo đảm tất cả người dân đều hiểu, đều có cơ hội và điều kiện tham gia.
Ủng hộ cao việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp có tính đại diện cao
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết hoàn toàn thống nhất với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Việc lựa chọn các đồng chí đại diện lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các cơ quan trọng yếu của hệ thống chính trị - trong đó có Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban - thể hiện sự nghiêm túc, chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao trong việc sửa đổi Hiến pháp.
Với những đóng góp sát thực tiễn và mang tầm chiến lược, bài phát biểu thảo luận của đại biểu Nguyễn Thị Yến đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và tầm nhìn của người đại biểu Quốc hội trong một thời khắc đặc biệt của lịch sử lập pháp nước nhà.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)