Chiều 20/5, tiếp tục chương trình lập pháp Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại Tổ đại biểu số 4, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát biểu thảo luận về ba dự án luật quan trọng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Bộ luật Hình sự (sửa đổi); và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 03 đạo luật này.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát biểu tại phiên thảo luận. |
Hoàn thiện pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng quốc gia
Phát biểu góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng về thẩm quyền cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước tại khoản 1 Điều 193, đại biểu Yến cho biết dự thảo chuyển thẩm quyền quyết định khoản vay đặc biệt có và không có tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng với lãi suất 0% từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước. Đại biểu cho rằng việc phân cấp như vậy là hợp lý, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh cần ứng phó nhanh với các rủi ro thanh khoản.
Đại biểu cũng cho biết trong thời gian qua thẩm quyền này quy định thuộc Thủ tướng Chính phủ, song thực tế Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện để đảm bảo tính kịp thời. Bà đề nghị đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm cần có quy định rõ trường hợp nào được áp dụng cơ chế cho vay đặc biệt vì đây là loại hình cho vay có tính rủi ro cao và có tính cứu trợ là chính.
Đồng thời tại điều khoản quy định chuyển tiếp về nội dung này tại Điều 2, bà đề nghị xác định cho thống nhất là thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước hay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại Điều 198a, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức tín dụng và chính quyền địa phương, cụ thể là UBND và Công an cấp xã, trong trường hợp phát sinh tình huống phản ứng, cản trở việc thu giữ tài sản bảo đảm. Quy định này sẽ là cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền thu giữ tài sản được thực thi một cách công khai, minh bạch, đúng pháp luật, hạn chế phát sinh xung đột, khiếu kiện và rủi ro hình sự hóa quan hệ dân sự.
Ngoài ra, đại biểu Yến đề nghị bổ sung một điều khoản mới quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc giải quyết yêu cầu chi trả tiền gửi của người đã mất cho người thừa kế hợp pháp. Quy định này cần xác lập thời hạn giải quyết rõ ràng, đồng thời tạo cơ chế hành chính cụ thể, giảm thiểu thủ tục phiền hà, bảo đảm quyền tài sản được chuyển giao qua thừa kế đúng pháp luật.
Tăng cường hiệu quả phòng, chống tội phạm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia
Đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến quan tâm góp ý đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh tại Điều 194. Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “hàng giả là thuốc chữa bệnh”, theo hướng phân nhóm và định lượng mức độ nguy hiểm theo loại bệnh lý điều trị. Bà cũng đề nghị bổ sung tình tiết tăng nặng đối với hành vi tiêu thụ thuốc giả trong bệnh viện công lập hoặc cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, đối với các tội về sản xuất, buôn bán hàng giả và an toàn thực phẩm tại các Điều 192, 193, 195, 317, đại biểu Yến đề nghị làm rõ ranh giới giữa “hàng giả” và “hàng kém chất lượng”; bổ sung yếu tố cấu thành tội mang tính tổ chức có chuỗi, có hệ thống; đồng thời có khung phạt nghiêm khắc đối với hành vi tái phạm, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và thực phẩm chức năng.
Đối với tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược tại Điều 421, đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm khái niệm “tuyên truyền chiến tranh xâm lược”; tách riêng các hành vi tuyên truyền, tổ chức, tài trợ, tham gia chiến tranh thành các khoản với khung hình phạt phù hợp; đồng thời bổ sung trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, pháp nhân có hành vi tài trợ, cổ vũ chiến tranh xâm lược.
Bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và thông suốt trong hoạt động tố tụng hình sự
Góp ý đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Nguyễn Thị Yến đồng tình với khoản 17 Điều 1 về việc sửa đổi Điều 208 nhằm thống nhất thời hạn giám định với Luật Giám định tư pháp, đồng thời đề nghị bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc giám định.
Đối với các khoản 19, 20, 22 và 23 Điều 1 về điều tra, truy tố vắng mặt, đại biểu tán thành với định hướng sửa đổi, nhưng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thông báo, bảo lưu lời khai, chỉ định luật sư… để bảo đảm quyền bào chữa và hạn chế khiếu nại, tố cáo…
Những góp ý của đại biểu Nguyễn Thị Yến đối với ba dự thảo luật thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương. Các ý kiến không chỉ có giá trị gợi mở chính sách mà còn giúp hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hình sự và tố tụng hình sự.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)