Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có những cựu tù chính trị đã gắn bó gần cả cuộc đời để bảo vệ, xây dựng và góp phần phát triển Côn Đảo như ngày nay.
![]() |
Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Phó trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo chia sẻ ký ức hào hùng trong thời gian bị giam cầm tại Trại I-6B trong một lần trở lại Côn Đảo. |
Tình nguyện ở lại xây dựng đảo
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bốn ngày sau, tàu chiến của quân giải phóng cập bến Côn Đảo. Chiều cùng ngày, đoàn cựu tù Côn Đảo đầu tiên gồm những người tử tù và người bệnh nặng xuống tàu về đất liền. Chuyến tàu cuối đưa cựu tù về đất liền rời Côn Đảo là ngày 16/5/1975. Một số cựu tù tình nguyện ở lại bảo vệ và xây dựng Côn Đảo. Trung tướng Châu Văn Mẫn (SN 1950, hiện đang sinh sống tại TP.Vũng Tàu) là một trong những cựu tù đó.
Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam cũng là ngày chấm dứt chế độ lao tù khắc nghiệt nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Dẫu xa cách quê hương, gia đình đã lâu và trải qua 5 năm bị giam cầm dưới chế độ lao tù khắc nghiệt, nhưng đáp lời kêu gọi của Đảng, ông Châu Văn Mẫn là một trong 156 tù chính trị tình nguyện ở lại Côn Đảo phục vụ nhiệm vụ cách mạng.
Trung tướng Châu Văn Mẫn nhớ lại, lúc đó còn khoảng 2.500 dân ở Côn Đảo là vợ con của binh lính, giám thị, công chức chế độ cũ, tù thường phạm của chế độ cũ thụ án tù chung thân hoặc tử hình. Việc đầu tiên sau giải phóng là gom thường phạm vào quản lý trong các trại, phân loại, chia thành nhiều nhóm. Những người tội nhẹ thì tiếp tục lao động cải tạo, tội nặng thì cho học tập chính trị, lao động cải tạo. Đồng thời, phải bảo đảm an ninh trật tự trên toàn đảo để ổn định tình hình, bảo vệ nhà tù khỏi bị đập phá...
Tại Côn Đảo, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau: cán bộ Ty An ninh, Phó trưởng Công an Côn Đảo, Phó Phòng Bảo vệ chính trị, Công an Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo.
Trung tướng Châu Văn Mẫn luôn hướng về Côn Đảo, nơi ông đã cống hiến tuổi thanh xuân. Ông may mắn cùng một số đồng đội trở về nhưng luôn trăn trở và canh cánh với người nằm lại. Máu xương của đồng đội ông phải được ghi nhận, được tôn thờ bằng những nghĩa cử cao đẹp nhất của những người còn sống. Do vậy, năm nào ông cũng về Côn Đảo, có năm vài lần để thắp nhang trên mộ phần những người đã nằm xuống, cũng như vận động tổ chức các hoạt động tri ân người có công với cách mạng.
Mong cơ chế đặc thù cho Côn Đảo
Cựu tù chính trị Huỳnh Thiện Hòa (SN 1945, hiện đang sinh sống ở TP.Vũng Tàu), Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo từ năm 1991 đến 2000 cũng là người gắn bó máu thịt với huyện đảo.
Ông là tù chính trị tại Côn Đảo từ năm 1969 đến 1973 được trao trả về đất liền trong diện trao trả tù binh sau Hiệp định Paris. Tháng 8/1991, khi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành lập, huyện Côn Đảo trực thuộc tỉnh, ông được phân công nhiệm vụ trở lại đảo với vai trò mới.
Cựu tù Huỳnh Thiện Hòa kể, ngày đó, Côn Đảo vẫn còn hoang sơ, nhiều nhà cấp 4. Côn Đảo cách trở đất liền khi phương tiện giao thông. Trường học, bệnh viện đều sơ sài, thiếu thốn. Tiếp nhận công việc, ông đi từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến lớp; xây dựng trường học, bệnh viện. Để giải quyết vấn đề thiếu bác sĩ, ông liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để được tư vấn chuyên môn khi có ca bệnh nặng. Mặt khác, ông cũng là người kết nối với đại diện Công ty Trực thăng miền Nam để có tuyến bay từ đất liền ra Côn Đảo vận chuyển ca cấp cứu miễn phí về đất liền cứu chữa trong khoảng thời gian ông đương nhiệm.
Ý tưởng xây dựng Côn Đảo khang trang hơn đã được cựu tù chính trị Huỳnh Thiện Hòa, cộng sự và Nhân dân cùng nhau vun đắp. Đến ngày về hưu, Côn Đảo đã có nhà kiên cố, xe máy, đường nhựa thông suốt từ Bến Đầm đến sân bay Cỏ Ống. Hệ thống thông tin liên lạc, truyền thanh, truyền hình đầy đủ.
Ở tuổi 80, người tù chính trị năm xưa vẫn luôn trăn trở làm sao để Côn Đảo phát triển hơn nữa. Trò chuyện với chúng tôi, ông bày tỏ vui mừng trước thông tin Côn Đảo đang được kéo điện lưới quốc gia, đầu tư nhà máy xử lý rác. Ông luôn mong có một cơ chế đặc biệt với chế độ, chính sách đặc thù cho Côn Đảo để hòn đảo ngọc phát triển như câu thơ của cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy năm xưa khi đến thăm, làm việc tại Côn Đảo:
“Ai xây Côn Đảo trần ai
Ta xây Côn Đảo nên đời thần tiên...”
Bài, ảnh: AN NHIÊN