Nghĩa trang Hàng Dương những ngày tháng Tư
Tháng Tư, Côn Đảo nắng như đổ lửa. Nhưng mỗi ngày mảnh đất này đều đón 2.500-2.800 du khách. Đến Côn Đảo, hầu như ai cũng tìm về Nghĩa trang Hàng Dương để thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.
![]() |
Anh Nguyễn Quang Trường đến từ tỉnh Sóc Trăng kính cẩn rải nắm đất mẹ lên phần mộ các liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương quê ở tỉnh Sóc Trăng. |
Khuôn viên Nghĩa trang Hàng Dương một ngày cuối tháng Tư bình yên, tĩnh lặng. Giọng thuyết minh viên Trịnh Minh Ngọc, thuộc Bảo tàng-Thư viện tỉnh vang lên như phá tan bầu không khí im lìm: Trong khuôn viên rộng 20ha có gần 2.000 ngôi mộ, chia thành các khu A, B, C, D. Mỗi khu gắn với các giai đoạn lịch sử và tên tuổi, câu chuyện về những anh hùng liệt sĩ… Mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-1942), nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1900-1943), Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (1933-1952)… Trong 113 năm tồn tại hệ thống nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã lưu đày trên đảo 200 ngàn lượt tù nhân. Trong số đó, 20 ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại Côn Đảo. Năm 1992, nghĩa trang được khởi công tôn tạo, nhưng chỉ còn 1.922 ngôi mộ và trong số này chỉ có 714 ngôi mộ có danh tính, quê quán…
Mang trên mình chiếc áo đỏ in hình ngôi sao vàng, anh Nguyễn Quang Trường đến từ tỉnh Sóc Trăng lặng lẽ đi từng ngôi mộ dâng hương. Đến các phần mộ liệt sĩ quê Sóc Trăng, anh kính cẩn rải nắm đất mẹ Sóc Trăng mang theo để tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ.
Anh Trường là công nhân. Trong không khí cả nước hướng về các hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh nảy ra ý tưởng mang theo đất của quê hương đến Nghĩa trang Hàng Dương rải lên những phần mộ liệt sĩ có quê ở Sóc Trăng. Anh hy vọng, việc làm của mình sẽ góp phần làm ấm lòng những anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại mảnh đất thiêng Côn Đảo.
Với tâm niệm tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, 5 năm gần đây, anh Nguyễn Anh Khoa ở TP.Cần Thơ đều đưa vợ con đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Hai con gái anh theo ba đến từng phần mộ liệt sĩ để dâng hương, thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn. “Tôi cho các con đến dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương để các cháu hiểu hơn về lịch sử dân tộc, từ đó biết ơn, trân trọng thế hệ ông cha đã ngã xuống vì độc lập tự do hôm nay”, anh Khoa bày tỏ.
Trong đoàn người đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương còn có những cựu tù chính trị Côn Đảo. Họ trở lại thăm các bậc tiền nhân, đồng đội cũ. Trước phần mộ Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Việt (1937-1966), cựu tù chính trị Mai Hồng (87 tuổi, quê Bình Định) thổn thức: “Chúng tôi đã trở lại đây!”.
Ông Mai Hồng tâm sự, dù mang nhiều thương tật do di chứng của những trận đòn roi tra tấn năm xưa, nhưng ông vẫn cảm thấy mình may mắn, vì vẫn còn có ngày về trong vòng tay của người thân, trong khi biết bao đồng đội đã ngã xuống ngay trước mắt.
Ông Phạm Hồng (91 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị giam cầm ở Côn Đảo hơn 18 năm. Ông là một trong những người rời Côn Đảo trong chuyến tàu cuối cùng ngày 16/5/1975. Lần này người cựu binh trở lại Côn Đảo đúng dịp kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam và giải phóng Côn Đảo. Đứng ở nơi đồng đội yên nghỉ, ông Phạm Hồng nghẹn ngào: “Nơi đây, chúng tôi trải qua thanh xuân, tuổi trẻ với cả những nỗi đau thể xác đòn roi và nỗi đau đớn chứng kiến đồng đội ra đi khi chưa được nhìn thấy đất nước được tự do”…
Chiều muộn cho đến đêm khuya, dòng người đổ về viếng nghĩa trang càng đông hơn. Trong nghi ngút khói hương, ai nấy đều kính cẩn nghiêng mình, tri ân và cảm phục tinh thần, nghị lực của những người tù cộng sản.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG