KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ GIẢI PHÓNG CÔN ĐẢO

Nghe kể chuyện giải phóng

Thứ Sáu, 11/04/2025, 17:33 [GMT+7]
In bài này
.

Nửa thế kỷ trôi qua sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, những chiến binh năm xưa bồi hồi, xúc động nhớ về ký ức chiến tranh. Họ say sưa truyền kể “những thước phim” sinh động về thời khắc giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Cựu chiến binh Phạm Như Tu (62 Nguyễn Trãi, phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) cùng đồng đội kể lại ký ức chiến tranh cho các chiến sĩ trẻ.
Cựu chiến binh Phạm Như Tu cùng đồng đội kể lại ký ức chiến tranh cho các chiến sĩ trẻ.

Chiến sĩ đồ bản xuất sắc

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Phạm Như Tu, 78 tuổi (62 Nguyễn Trãi, phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) - một trong những người trực tiếp tham gia giải phóng Bà Rịa.

Tham gia quân ngũ năm 1965, người lính trẻ quê ở Thái Bình được Sư đoàn 304, Bộ Quốc phòng huấn luyện kỹ càng trong 8 tháng. Năm 1966, ông Tu cùng đồng đội hành quân, xẻ dọc đường Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. 7 tháng băng rừng, vượt mưa bom bão đạn, ông đến chiến trường Bà Rịa - Long Khánh vào đầu năm 1967.

Trong ký ức về những trận đánh, ông Tu nhớ nhất 2 trận đánh lớn trong Xuân Mậu Thân (1968) và mùa Xuân năm 1975. Ông Tu kể, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Đại đội 2, Tiểu đoàn 445 của ông cùng đồng đội đã xung kích với những trận đánh ác liệt, mở những mũi thọc sâu từ Núi Dinh vào các cụm căn cứ của địch ở Bà Rịa. Tại căn cứ cách mạng Núi Dinh, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng vào tháng 2/1968.

Tiếp đó, vào mùa Xuân năm 1975, quân ta quyết định tiến đánh giải phóng Bà Rịa - Long Khánh. Với nhiệm vụ trợ lý đồ bản, từ ngày 23/4/1975, ông Tu cùng đoàn cán bộ sĩ quan, chiến sĩ trinh sát đi tiền phương, khảo sát chiến trường, xác định các cứ điểm trọng yếu để đặt đài quan sát, pháo, hay tìm những con đường để xe tăng tiến vào Bà Rịa.

Nhờ những người như ông Tu vẽ được sơ đồ, xác địch được những điểm trọng yếu, những khẩu pháo của quân ta đã được đặt vào trận địa. Đến 17 giờ ngày 26/4/1975, những loạt pháo của ta bắn xối xả, trúng các mục tiêu của địch ở Bà Rịa như: Ty an ninh, Dinh Tỉnh trưởng, Ty Truyền tin... Bị pháo kích, nhiều kho xăng của địch bốc cháy dữ dội, địch rệu rã. Đêm đó, ông Tu cùng các trinh sát đã tiến vào tiểu khu Phước Tuy (nay là ở Công viên Lê Thành Duy, TP.Bà Rịa), vừa chiến đấu vừa đào hầm để trú ẩn.

Trước tình thế tiến công như vũ bão của quân ta, các tướng, binh sĩ của địch bắt đầu tháo chạy. Xe tăng của ta xuất kích, theo sau là bộ binh tiến lên làm chủ tình hình. Chiều 27/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên tháp nước Nhà Tròn (Bà Rịa).

Ông Tu xúc động nói: “Ở trận đánh vào Láng Cà Thy (huyện Xuyên Mộc), tôi bị trúng đạn trọng thương. Nhưng may mắn thay, nay tròn nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, tôi vẫn còn được ngồi đây để truyền lại lịch sử đánh giặc cho thế hệ trẻ”.

Sau giải phóng, ông Tu tiếp tục công tác trong quân đội, rồi đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia những năm 1979-1980. Sau khi rời quân ngũ (năm 1989), ông Tu tiếp tục gắn bó với công tác xã hội, là lãnh đạo của Hội Cựu chiến binh Bà Rịa. Từ năm 1990-1995, ông là Bí thư Đảng ủy phường Phước Hiệp.

Hạnh phúc ngày gặp lại 

50 năm sau ngày giải phóng, ông Phạm Quang Lập, chiến sĩ Sư đoàn Sao Vàng, hiện là đại diện Ban Liên lạc Sư đoàn Sao Vàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh vui mừng gặp lại đồng đội. Ngày 10/4/2025, họ cùng nhau về TP.Hồ Chí Minh dự họp mặt đại biểu có công với cách mạng do quận 6 tổ chức.

Ông Lập ôn lại ký ức chiến tranh với đồng đội: Xuyên đêm băng qua những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Cẩm Mỹ (Đồng Nai), mờ sáng 26/4/1975, ông cùng đồng đội đặt chân đến Châu Pha (TP. Phú Mỹ hiện nay). Sau khi cùng bộ đội địa phương giải phóng hoàn toàn Bà Rịa vào ngày 27/4/1975, đêm 28/4/1975, Sư đoàn Sao Vàng khẩn trương bước vào giai đoạn 2 của trận đánh: Vượt sông Cỏ May, giải phóng Vũng Tàu. Trước sự chống trả quyết liệt của địch ở cầu Cỏ May, Bộ Tư lệnh Sư đoàn Sao Vàng chuyển hướng tiến công từ phía Đông, hướng Long Hải.

Quân ta huy động tàu, thuyền của ngư dân vượt eo biển Cửa Lấp tiến vào Vũng Tàu, đánh tan phòng tuyến của địch tại cầu Cỏ May và dồn địch về co cụm tại khách sạn Palace. Tại trận đánh cuối cùng này, các cánh quân của Sư đoàn Sao Vàng chiếm lĩnh điểm cao từ phía Núi Nhỏ, rồi tiến đánh khách sạn Palace. Trước sức ép của hỏa lực, binh lực của ta, địch từng bước tan rã, kéo cờ trắng và phát loa xin đầu hàng. Đến trưa ngày 30/4/1975, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.

Cùng với lực lượng vũ trang, các lực lượng thông tin, y tế... còn góp sức lớn vào giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu. Cựu chiến binh Trần Thị Ánh Tuyết (đường Phước Thắng, phường 12, TP.Vũng Tàu), chiến sĩ Sư đoàn Sao Vàng nhớ lại, sau quãng thời gian dài hành quân từ chiến trường Bình Định, những ngày cuối tháng 4/1975, bà đặt chân chiến trường Bà Rịa - Long Khánh. Khi ấy, trong vai trò là dược sĩ, bà khẩn trương kê đơn, bốc thuốc, cùng với đội ngũ y, bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, chữa vết thương cho thương binh. “Không trực tiếp đối đầu với địch, nhưng cứ bộ đội ta đi đến đâu, tôi theo sát vào chiến trường đến đó. Sá gì hiểm nguy, miễn sao cấp cứu kịp thời cho thương binh, góp phần vào chiến thắng”, bà Tuyết chia sẻ.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.