Tháng 2/1934, chi bộ Đảng đầu tiên của Bà Rịa-Vũng Tàu đã được thành lập ở làng chài Phước Hải (nay là TT.Phước Hải, huyện Long Đất). Trải qua 91 năm kể từ ngày thành lập chi bộ, làng chài Phước Hải đơn sơ ngày nào đang vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Đảng bộ TT.Phước Hải tổ chức trao quyết định kết nạp Đảng cho quần chúng ưu tú. |
Thành lập chi bộ Đảng đầu tiên
Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, cuối năm 1931, ông Hồ Tri Tân cùng hai người bạn thợ mộc là Lương Tống và Lương Nậy từ Quảng Trị vào Bà Rịa làm ăn. Ông Hồ Tri Tân sinh sống hợp pháp và mở trại cưa tại Phước Hải. Mang theo được một số tài liệu bí mật gồm: Điều lệ tổ chức Công hội, Nông hội, Phương pháp hoạt động bí mật… ông Hồ Tri Tân tập hợp những người tốt để giác ngộ cách mạng.
Nhằm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, đồng thời tìm cách liên lạc với những người cộng sản trong vùng, ông Hồ Tri Tân tổ chức một đợt hoạt động treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn cách mạng. Đêm 13/7/1933, Hội Châu Viên kết nghĩa đã treo được 6 lá cờ đỏ búa liềm tại địa phận xã Long Hương (Bà Rịa); TT.Long Điền; Nhà kiểm lâm Đất Đỏ; Nhà hội làng Long Nhung; Nhà hội làng Long Mỹ và đỉnh núi Hòn Ngang tại địa phận ấp Lò Vôi, Phước Tỉnh. Đồng thời, hơn 1.000 truyền đơn ký tên “Việt Nam Cộng sản Đảng” đã được rải ở nhiều địa điểm từ Bà Rịa đến Long Điền, Đất Đỏ với các nội dung: bãi bỏ thuế thân; giảm thuế điền, thuế thổ trạch; chống tham quan ô lại; công nông binh liên hiệp lại.
Cờ đỏ búa liềm và truyền đơn cách mạng xuất hiện ở Bà Rịa, Long Điền và Đất Đỏ ngay trong ngày Quốc khánh Pháp khiến bọn thực dân hoang mang, còn những người yêu nước thì phấn khởi, hy vọng đón chờ. Những lá cờ đỏ búa liềm và truyền đơn cách mạng lần đầu tiên xuất hiện là phát súng báo hiệu, là lời hiệu triệu của Đảng đến với Nhân dân Bà Rịa nói chung và Phước Hải nói riêng.
Quê hương Phước Hải đang đổi thay từng ngày với những tuyến đường giao thông mở rộng. Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Linh, TT.Phước Hải. |
Tháng 2/1934, ông Hồ Tri Tân cùng các ông Trần Văn Cừ, Nguyễn Văn Long tổ chức cuộc họp tại nhà ông Trần Bá Thiên (ấp Hải Trung, xã Phước Hải) và tuyên bố thành lập chi bộ gồm 3 đảng viên: Trần Văn Cừ (Bí thư), Nguyễn Văn Long, Hồ Tri Tân. Ngay sau khi ra đời, Chi bộ Phước Hải đã tích cực phát triển đảng viên, giác ngộ những người kiên trung, yêu nước và kết nạp vào chi bộ; tổ chức rải truyền đơn, chống áp bức bất công.
Chi bộ Đảng Cộng sản ở Phước Hải ra đời là một bước ngoặt lịch sử, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển của phong trào cách mạng không chỉ đối với Phước Hải mà ảnh hưởng lớn trong cả vùng Long Điền, Đất Đỏ cũng như địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đây, phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh được soi rọi dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Phước Hải, phong trào đấu tranh ở Long Đất và tỉnh Bà Rịa những năm đầu cách mạng đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong quá trình hoạt động, Chi bộ Phước Hải đã thể hiện vai trò một tổ chức cách mạng với sứ mệnh lãnh đạo Nhân dân toàn tỉnh đấu tranh cách mạng, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc.
Vươn mình phát triển
Phát huy truyền thống là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, Phước Hải ngày nay đã và đang thay da đổi thịt, vươn mình phát triển mạnh mẽ. Đảng bộ thị trấn đã lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế với các ngành mũi nhọn như đánh bắt hải sản, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Ông Trần Minh Lý sinh ra và lớn lên tại Phước Hải, có gần 30 năm tuổi Đảng. Ông Lý cho biết: “Kế thừa truyền thống cách mạng, đảng viên chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt các phong trào, tuyên truyền hướng dẫn thế hệ trẻ ra sức học tập, rèn luyện để chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".
Từ một làng chài với truyền thống đánh bắt hải sản là chủ yếu, hôm nay Phước Hải đã trở thành trị trấn, với cơ cấu kinh tế theo hướng đánh bắt, du lịch và dịch vụ thương mại. Trong ảnh: Lễ hội thả diều tại Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024. Ảnh: VÂN ANH |
Là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch của huyện Long Đất, Phước Hải đã khai thác lợi thế thiên nhiên từ rừng, biển để phát triển du lịch. Nhiều KDL cao cấp như: Lan Rừng Resort & Spa, Thùy Dương Resort, Long Hải Channel... đã và đang trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2024, thị trấn đón khoảng 1 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Từ ngày 1/1/2025, xã Long Mỹ sáp nhập vào thị trấn trở thành TT.Phước Hải mới. Đảng bộ TT.Phước Hải mới có 26 chi bộ với 625 đảng viên. Đảng bộ thị trấn tiếp tục định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương với các ngành thế mạnh như: ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp, dịch vụ, các điểm du lịch sinh thái…
(Ông Võ Thanh Phượng, Phó Bí thư Thường trực
Đảng ủy TT.Phước Hải)
|
Hạ tầng giao thông được mở rộng, nâng cấp, bê tông hóa; thương mại phát triển, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân và du khách. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao đều có bước phát triển. Thị trấn cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, khó khăn đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.
Cùng với kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng bộ Phước Hải luôn chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Hai năm liền (2023, 2024), Đảng bộ thị trấn được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của huyện.
Cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Chóp Mao, núi Minh Đạm thuộc địa bàn thị trấn Phước Hải. |
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU