Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội đã ghi nhận 24 ý kiến, kiến nghị, đề xuất đối với 12 lĩnh vực từ thực tế cuộc sống của các đoàn viên, hội viên.
Chị Dương Thị Sang, nhân viên Công ty TNHH Sản xuất giày Phúc Tiến (huyện Châu Đức) đặt câu hỏi về các điều kiện để mua được nhà ở xã hội. |
Quan tâm tới nhà ở xã hội
Là nhân viên Công ty TNHH Sản xuất giày Phúc Tiến (huyện Châu Đức), chị Dương Thị Sang rất quan tâm đến nhà ở xã hội (NOXH) cho người có thu nhập thấp. “Người lao động công ty chúng tôi cũng như người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh đang ở nhà trọ rất nhiều. Chúng tôi cần có những điều kiện gì và phải chuẩn bị bao nhiêu tiền để có thể mua NOXH. Tỉnh có những chính sách nào để hỗ trợ nhóm đối tượng này”, chị Sang nêu vấn đề.
Trả lời chị Sang, ông Khải Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Theo Luật Nhà ở, người lao động không có nhà ở, hoặc nhà ở dưới 15m2, thu nhập tối thiểu dưới 15 triệu đồng/người, hoặc nếu có gia đình thì thu nhập của 2 vợ chồng không quá 30 triệu/tháng... sẽ đủ điều kiện mua NOXH. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án NOXH như: NOXH Sonadezi (huyện Châu Đức), NOXH Lan Anh (huyện Châu Đức), hay NOXH ở Côn Đảo sắp hoàn thành.
Tại các địa phương như: TX.Phú Mỹ, TP.Vũng Tàu, thời gian tới, dự kiến sẽ khởi động các dự án NOXH để phục vụ nhu cầu của người dân. Đoàn viên, người lao động có nhu cầu thì liên hệ với các chủ đầu tư, địa phương để nộp hồ sơ và được xem xét.
Ông Bùi Chí Thành, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, không phải người lao động nào cũng dễ dàng tiếp cận với chủ đầu tư để được mua NOXH. Vì vậy, các địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của người lao động; đồng thời, phối hợp giúp họ tiếp cận và mua được NOXH dễ dàng hơn.
Tạo việc làm
Liên quan đến nguồn nhân lực cho ngành du lịch của tỉnh, anh Hoàng Văn Đến, đoàn viên Đoàn Trường CĐ nghề Du lịch Vũng Tàu nêu vấn đề, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tỉnh có cơ chế gì ưu tiên SV được đào tạo ngành nghề này để có việc làm ngay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Quyền Giám đốc Sở Du lịch thông tin, tỉnh có hơn 21 ngàn lao động trong ngành du lịch. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, năm 2023, sở đã kết nối với cơ sở phục vụ du lịch, các trường để tổ chức đào tạo nhân lực du lịch. Qua đó, đã đào tạo được hơn 800 người và hơn 80% trong số đó đã có việc làm ổn định tại tỉnh. Dự kiến đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn, tỉnh cần tăng từ 21 đến 41 ngàn lao động ngành du lịch. Vì vậy, cơ hội việc làm cho SV tốt nghiệp ngành du lịch sẽ còn rộng mở.
Bảo đảm bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ
Bà Nguyễn Thị Phượng, hội viên Hội LHPN TX.Phú Mỹ đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh: Tỉnh có những giải pháp nào để bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm bảo đảm bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN cho biết: Thời gian qua, chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều đợt đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị để phát huy năng lực, sở trường công tác của CBCCVC nữ. Đồng thời, gia tăng cơ hội cho họ tham gia vào cấp ủy và ứng cử đại biểu HĐND các cấp.
Hội LHPN tỉnh cũng chủ động phối hợp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho CBCCVC nữ để họ tự tin tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Cấp ủy các cấp đã tích cực quy hoạch cán bộ nữ, đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ chính trị. Thời gian tới, các nhiệm vụ, giải pháp này sẽ được Hội LHPN tỉnh phối hợp đẩy mạnh để chuẩn bị nguồn nhân lực nữ cho tỉnh.
BÀ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH
Giải quyết sớm các ý kiến, kiến nghị
Trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ có những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Do đó, các cấp, ngành, lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc, những bức xúc của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Từ đó, tổng hợp và gửi đến các cấp có thẩm quyền giải quyết sớm cho người dân và đoàn viên, hội viên, không phải chờ đến những buổi đối thoại như thế này hoặc trong buổi tiếp xúc cử tri mới có phản ánh, ý kiến.
Đây cũng là việc làm thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong nắm tình hình, dư luận xã hội. Khi nhận được kiến nghị, đề xuất của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành phải giải quyết và trả lời sớm bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ thời gian thực hiện, giải quyết.
|
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin thêm, hiện tỷ lệ nữ tham cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện đều đáp ứng từ 15% trở lên. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều đạt yêu cầu từ 30% trở lên. Tuy nhiên, việc giới thiệu, ứng cử và “đậu” của CBCCVC nữ vào cấp ủy, HĐND các cấp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt tỷ lệ cao.
Ngoài những vấn đề trên, tại hội nghị, đoàn viên, hội viên còn phản ánh, kiến nghị, đề xuất các vấn đề: Tạo điều kiện, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp; hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; phòng chống lừa đảo qua mạng… Trước khi diễn ra hội nghị, ban tổ chức đã nhận được 66 ý kiến. Tất cả các ý kiến, kiến nghị, đề xuất được ghi nhận, tổng hợp, phân loại và chuyển đến các sở, ngành, địa phương liên quan trả lời cụ thể bằng văn bản và thông tin rộng rãi đến đoàn viên, hội viên.
Bài, ảnh: PHÚC LƯU-CẨM NHUNG