.

Đảng bộ, quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần làm nên Chiến thắng Bình Giã

Cập nhật: 19:15, 01/12/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã chính là một mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá là “một chiến dịch quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược, mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng miền Nam”. 60 đã trôi qua, nhưng chiến thắng Bình Giã (2/12/1964) vẫn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử. Trong thắng lợi đó có sự đóng góp quan trọng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các đại biểu tham dự chương trình giao lưu “Chiến thắng Bình Giã - Mốc son lịch sử”, sáng 15/11 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Các đại biểu tham dự chương trình giao lưu “Chiến thắng Bình Giã - Mốc son lịch sử”, sáng 15/11 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

1. Chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho chiến trường miền Nam, chọn hướng chính cho chiến dịch

Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, cách mạng miền Nam ngày càng lớn mạnh, chiến tranh du kích phát triển đều khắp trên các chiến trường. Từ cuối năm 1963, đầu năm 1964, tình hình cách mạng đã có nhiều thuận lợi. Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (25-26/9/1964) đề ra 5 công tác trước mắt: Phối hợp đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận, tranh thủ thời cơ, cố gắng đánh bại hoàn toàn quân ngụy trước khi quân Mỹ đổ vào; làm chủ cho được nông thôn, rừng núi và đồng bằng; ra sức đẩy mạnh công tác và phong trào đô thị; gấp rút xây dựng lực lượng chính trị, quân sự, đặc biệt là bộ đội chủ lực; tăng cường công tác Mặt trận và mở rộng thành phần của Mặt trận dân tộc thống nhất đến các tầng lớp nhân dân từ nông thôn đến đô thị miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết tâm nâng cao quy mô tác chiến của quân chủ lực, làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đánh bại hoàn toàn quân ngụy trước khi Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam. Xuất phát từ chỉ đạo đó, Chiến dịch Đông Xuân 1964-1965 (sau này gọi là Chiến dịch Bình Giã) được mở ra trên chiến trường Đông Nam Bộ.

Những chủ trương, quan điểm chỉ đạo mới trong sử dụng bạo lực cách mạng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đi vào thực tiễn và đưa lại sự lớn mạnh vượt bậc và những thắng lợi liên tiếp của phong trong cách mạng miền Nam.

Việc chọn hướng chính của chiến dịch xuất phát từ các điều kiện về chính trị, địa hình cũng như khả năng phối hợp, trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực lúc bấy giờ. Bình Giã thuộc tỉnh Bà Rịa, là ấp chiến lược kiên cố nằm gần Chi khu quân sự Đức Thạnh, là địa bàn có nhiều tuyến giao thông thủy, bộ, thuận lợi cho việc giải vây, ứng cứu cả về đường hàng không và đường bộ; hầu hết đồng bào theo đạo Thiên Chúa, địch lợi dụng mâu thuẫn tôn giáo, dân tộc để gây chia rẽ nhân dân với cách mạng; đồng thời, xây dựng, bố trí nhiều căn cứ chiến đấu với lực lượng quân sự hùng hậu, chúng tin rằng đây là một cứ điểm quân sự “bất khả xâm phạm”. Song song đó, ta nhận thấy Đức Thạnh - Xuyên Mộc (Bà Rịa) là nơi có căn cứ địa rộng, bảo đảm cho bộ đội chủ lực có thể đóng quân, phong trào cách mạng của Nhân dân phát triển mạnh, tổ chức đảng, chính quyền và nhân dân hoạt động vững vàng, công tác bảo đảm hậu cần, cứu chữa thương bệnh binh có thể đáp ứng cho việc tổ chức một chiến dịch lớn. Vì vậy, Đức Thạnh - Xuyên Mộc được xác định là hướng chủ yếu của Chiến dịch Bình Giã để phân tán lực lượng, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng hành lang vận chuyển vũ khí cho chiến trường bằng đường biển, mở rộng vùng giải phóng, tạo chỗ đứng chân cho đơn vị chủ lực miền.

2. Tỉnh ủy Bà Rịa lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị các mặt công tác cho chiến dịch

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa đã chỉ định đồng chí Lê Minh Hà, Bí thư Tỉnh ủy, Đảng ủy viên Đảng uỷ chiến dịch, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bộ đội tỉnh, huyện, du kích các xã và điều hành công tác hậu cần phục vụ chiến dịch ở địa phương. Tỉnh ủy Bà Rịa đã triệu tập cán bộ chủ chốt của tỉnh và các huyện để triển khai kế hoạch nhằm phối hợp với bộ đội chủ lực chuẩn bị các mặt công tác với tinh thần hết sức khẩn trương và bảo đảm tuyệt đối bí mật. Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ được xác định là: “Bảo đảm phục vụ hậu cần cho chiến dịch, nhất là lương thực, thực phẩm. Gấp rút thành lập các đơn vị dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích các xã xây dựng phương án phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực, kết hợp tiến công các cứ điểm quân sự trên địa bàn, phá rã các ấp chiến lược còn lại, mở rộng vùng giải phóng” . 

Phục vụ hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm thông tin liên lạc cho chiến dịch

Để chuẩn bị cho chiến dịch, Hậu cần Miền đã cử đoàn cán bộ gồm 5 đồng chí (đồng chí Nguyễn Văn Hương (Sáu Hương) - Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch, bác sĩ Nguyễn Văn Hoa (Tám Hoa) - Chủ nhiệm quân y chiến dịch, đồng chí Chín Nhơn - Chủ nhiệm quân khí, đồng chí Tư Quy - Chủ nhiệm quân nhu, đồng chí Ba Inh - phụ trách tham mưu kế hoạch hậu cần) về Bà Rịa tổ chức thu mua lương thực . Tỉnh ủy đã thành lập Hội đồng cung cấp do đồng chí Lê Minh Hà, Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Phó Chủ tịch để giải quyết hậu cần tại chỗ, vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm, tổ chức các tổ thu mua gạo, muối, cá khô, thuốc và dụng cụ quân y cho hậu cần Miền.

Mặc dù sản xuất lúa gạo không đủ ăn, song quần chúng nhân dân trong tỉnh đã hết lòng vì cách mạng, nhân dân vùng giải phóng cũng như vùng địch kiểm soát đã trích từng lon gạo trong từng bữa ăn của mình để đóng góp nuôi bộ đội. Nhân dân tìm mọi cách vận chuyển gạo đưa về các vùng căn cứ, dùng mọi phương tiện như xe lam, xe lôi, xe bò, gánh, bưng, ghe, xuồng; tìm nhiều kế sách để qua mặt đồn bót, các trạm kiểm soát của địch. Toàn bộ xe bò của xã Long Phước, Long Tân, Ngãi Giao được trưng dụng phục vụ chở lương thực. Các cơ sở cách mạng ở Hòa Long, Long Phước, Phước Hòa, Long Tân liên hệ với các chủ vựa gạo ở chợ Long Điền, đồng bào vùng Ngãi Giao liên hệ với chủ vựa gạo ở Long Khánh, nhanh chóng mua gạo ở Sài Gòn về bán cho cách mạng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về gạo, muối, cá khô, thuốc tây cho chiến dịch. Đến ngày 5/12/1964, tỉnh đã giúp Hậu cần Miền thu mua được 417,5 tấn gạo, bảo đảm cho đợt hoạt động với tiêu chuẩn 1 lít/người/ngày và một khối lượng lớn thực phẩm, thuốc men đủ cho bộ đội sử dụng trong suốt chiến dịch .

Để bảo đảm công tác cứu chữa thương, bệnh binh trong suốt Chiến dịch, Bệnh xá quân y Bà Rịa được xây dựng thành bệnh xá tiền phương của chiến dịch. Tỉnh ủy Bà Rịa điều lớp y tá 27 người đang học bổ sung thêm cho bệnh xá Quân y Bà Rịa cùng hàng trăm dân công khiêng cáng thương binh, hộ lý tải lương phục vụ cho các bệnh xá. Bộ đội huyện Đức Thạnh được giao nhiệm vụ chuyển thương binh, chôn cất chiến sĩ hy sinh, giam giữ tù binh. Tổng số thương binh được cứu chữa cho đến khi kết thúc chiến dịch là 780 ca cả ba hướng. Đây là lần đầu tiên kết hợp cả quân y địa phương và quân y Miền.

Công tác tiếp nhận và vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch cũng được xúc tiến rất khẩn trương. Ngoài 20 tấn vũ khí được chuyển vào từ cửa biển Lộc An đêm 3 tháng 10 năm 1963, đoàn K10 và các lực lượng giao bưu vận, dân công hỏa tuyến của tỉnh Bà Rịa đã mở rộng hành lang vận chuyển, chuyển tiếp hàng trăm tấn vũ khí từ Thạnh Phú (Bến Tre) về tổng kho Hắc Dịch. Trước khi chiến dịch nổ ra, Đoàn K10 đã dự trữ được 800 tấn vũ khí; trong đó, cấp phát cho Chiến dịch Bình Giã 500 tấn.

Ban Thông tin theo sát bộ chỉ huy tiền phương của chiến dịch phục vụ cho Ban Tuyên Huấn nhận bản tin hàng ngày của Thông tấn xã khu Đông Nam Bộ, Thông tấn xã giải phóng miền Nam; đồng thời, đưa tin nhanh về Trung ương và Khu ủy, thông báo những mẩu tin chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường Bà Rịa.

Dân công hỏa tuyến, mũi đóng góp xuất sắc của quân, dân Bà Rịa-Vũng Tàu trong chiến dịch Bình Giã

Một trong những đóng góp xuất sắc của quân, dân Bà Rịa - Vũng Tàu là tổ chức lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Lực lượng dân công, phần lớn là các thanh niên trẻ thuộc cơ quan dân, quân, chính, Đảng trong tỉnh và các huyện cùng thanh niên nam, nữ ở các vùng giải phóng. Các đội dân công hỏa tuyến đã hăng hái xung phong đi tải đạn, sát cánh với các đơn vị hậu cần Miền và quân khu chuyển hơn 500 tấn vũ khí từ Bến Tre qua rừng Sác về căn cứ Hắc Dịch và hàng chục tấn vũ khí từ cửa biển Lộc An về kịp thời cho bộ đội tham gia chiến dịch. Đặc biệt, nhiều chị em phụ nữ đã tình nguyện phục vụ suốt nhiều tháng như đội nữ dân công Long Phước. Các chị đã đưa thương binh vượt rừng trên chục cây số về quân y viện dã chiến; dù đường xa, vượt dốc, mưa trơn trượt, nhưng các kíp cáng thương vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ, kịp đưa thương binh về căn cứ an toàn. Ban Giao bưu vận củng cố các trạm hành lang liên tỉnh, từ tỉnh xuống các trạm huyện, làm tốt công tác tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, đưa đón các đoàn dân công đi phục vụ chiến trường và tải thương binh về hậu tuyến.

Có thể nói, lần đầu tiên ở Đông Nam Bộ, hậu cần chiến dịch được tổ chức đồng bộ, có cơ quan chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ; thiết lập hệ thống thu mua lương thực, thực phẩm liên hoàn, có đội phẫu thuật lưu động và bệnh viện dã chiến; có kho dã chiến dự trữ vũ khí, đạn dược; có lực lượng dân công tuyến trước, tuyến sau,... bảo đảm kịp thời mọi mặt cho tác chiến.

Vận dụng cách đánh độc đáo, sáng tạo, đạt hiệu suất chiến đấu cao

Với tư tưởng chỉ đạo của chiến dịch là đánh chắc thắng, lực lượng tham gia Chiến dịch gồm 2 tiểu đoàn chủ lực của Quân khu 7, 1 tiểu đoàn chủ lực của Quân khu 6, các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh, huyện và du kích các xã trên địa bàn Chiến dịch. Phương châm chiến dịch là kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, tích cực tiêu diệt địch, hỗ trợ cho Nhân dân phá “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng. Phương thức tác chiến chủ yếu là “đánh điểm, diệt viện”, đánh địch ngoài công sự, vận dụng linh hoạt các chiến thuật phục kích, tập kích, vận động tiến công, đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” trên quy mô chiến dịch.

Trước khi Chiến dịch bắt đầu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền, các lực lượng vũ trang tỉnh cùng lực lượng vũ trang Miền đẩy mạnh hoạt động trên khắp chiến trường, tiến công vào nhiều mục tiêu địch, phá tan một loạt ấp chiến lược ở huyện Hoài Đức, Đất Đỏ, Long Thành… cách xa địa bàn chiến dịch nhằm căng kéo, thu hút sự chú ý của chúng về hướng khác, nghi binh, giữ bí mật và hạn chế thấp nhất khả năng tham gia của lực lượng không quân địch. Bên cạnh đó, quân và dân trong tỉnh đã chuẩn bị địa bàn tác chiến và bảo vệ bí mật tuyệt đối cho chiến dịch. Trên hướng chính của chiến dịch, quân và dân Bà Rịa đã đưa đón 2 trung đoàn chủ lực, 4 tiểu đoàn trợ chiến và Bộ Chỉ huy Chiến dịch vào tiếp nhận vũ khí và địa bàn tuyệt đối bí mật.

Trong Chiến dịch, Tỉnh ủy Bà Rịa chỉ đạo các huyện, du kích và Nhân dân các xã bằng ba mũi giáp công tiếp tục bao vây, bức hàng, bức rút đồn bót địch, giải phóng ấp, xã. Ngày 27 tháng 12 năm 1964, Đại đội 40 bộ đội tỉnh kết hợp với đại đội 25 (bộ đội địa phương huyện Long Đất) phục kích đánh hai đại đội học viên hạ sĩ quan ngụy trên đoạn đường Long Hải- Đá Giăng (lộ 44). Tại huyện Châu Đức, bộ đội địa phương huyện (đại đội 20) vây chặt chi khu Long Lễ. Du kích các xã Hoà Long, Long Phước, Bình Ba kêu gọi quần chúng nổi dậy bao vây đồn bót giặc buộc chúng phải rút chạy về tiểu khu Bà Rịa… Bên cạnh đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị diễn ra sôi động tại các vùng giải phóng. Ngay sau khi Chiến dịch diễn ra, Tỉnh uỷ đã phát động một cao trào đấu tranh chính trị và binh vận mạnh mẽ, rộng khắp. Cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân trong các vùng giải phóng thu được những kết quả to lớn. Đây thực sự là cao trào khởi nghĩa của quần chúng, bao gồm những cuộc khởi nghĩa từng phần, để giành thế mạnh về chính trị.

Chiến dịch Bình Giã diễn ra từ đêm 2 tháng 12 năm 1964 đến ngày 3 tháng 1 năm 1965. Trong suốt một tháng chiến đấu anh dũng, ngoan cường với sự hỗ trợ và tham gia tích cực của Đảng bộ, dân, quân Bà Rịa - Vũng Tàu, bộ đội chủ lực Miền đã giành những thắng lợi to lớn “loại khỏi vòng chiến đấu 1.755 tên địch, bắt sống 293 tên, phá hủy 45 xe quân sự, bắn cháy và làm bị thương 55 máy bay, thu 611 súng các loại, 10 máy truyền tin và nhiều tấn quân trang quân dụng” .

Với cách đánh sáng tạo, tiến công mạnh trên khắp địa bàn và tiến công vào nơi mạnh nhất, nơi sơ hở của địch đã làm cho địch phán đoán sai ý định của ta, điều quân ra xa Bình Giã, góp phần quan trọng giành thắng lợi của Chiến dịch. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn địch, kể cả những đơn vị sừng sỏ thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược ngụy. Vùng giải phóng phía Đông tỉnh Bà Rịa được mở rộng. Thực lực cách mạng của địa phương được củng cố và phát triển mạnh mẽ, mở ra các bến bãi và chuyến giao thông liên hoàn để tiếp nhận vũ khí của Trung ương chi viện theo đường Hồ Chí Minh trên biển.

3. Giá trị của chiến công

Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã mang nhiều ý nghĩa to lớn. Đối với đảng bộ, quân và dân tỉnh Bà Rịa lúc bấy giờ, Chiến dịch Bình Giã chính là thử thách nhưng cũng là thời cơ để rèn giũa, nâng cao lý tưởng, niềm tin và tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thể hiện rõ ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi của Nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong kháng chiến. Mặt khác, sau chiến dịch, khí thế, phong trào cách mạng của tỉnh được dâng cao, lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích, các đội quân chính trị, binh vận lớn mạnh và trưởng thành nhanh chóng. Vùng giải phóng được mở rộng. Cách mạng hầu như làm chủ các địa bàn nông thôn trong toàn tỉnh, tạo được thế và lực mới, sẵn sàng đương đầu với những âm mưu và thủ đoạn mới của Mỹ- ngụy.

Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến thắng Bình Giã có vai trò, vị trí quan trọng trong việc đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, đánh dấu bước trưởng thành của ta và sự suy yếu của quân ngụy, báo hiệu một thời kỳ mới của cách mạng miền Nam, thời kỳ quân và dân ta đủ sức đánh bại mọi âm mưu mở rộng chiến tranh của Mỹ - ngụy như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết “kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được, đến trận Bình Giã thì Mỹ sẽ thấy thua ta trong “chiến tranh đặc biệt” . Chiến thắng Bình Giã đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện tiêu biểu, quan trọng, là mốc son trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Thắng lợi đó khiến Bộ Quốc phòng Mỹ phải thú nhận: “Mối thất vọng của Oasinhtơn đối với tình hình quân sự càng tăng lên khi quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại trông thấy trong trận đánh ác liệt ở Bình Giã” .

Chiến thắng Bình Giã đã để lại nhiều bài học giá trị, góp phần giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, nghị lực vượt khó, vươn lên cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới toàn diện đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Kế thừa, phát huy truyền thống hào hùng và những kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Bình Giã, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đổi mới, khắc phục khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển. Qua 7 kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động theo Nghị quyết đề ra. Kinh tế phát triển nhanh, vững chắc, tiếp tục khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, quy mô kinh tế (GRDP) và GRDP bình quân trên đầu người luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành cao của cả nước, đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 4 tỉnh, thành thực hiện chính sách miễn giảm và hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp; chất lượng cuộc sống và hạnh phúc nhân dân không ngừng được nâng cao; trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định, công tác đối ngoại được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng cao. Thành quả đó giúp Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế của đất nước, là nền tảng cơ bản để tỉnh tiếp tục vươn mình cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với truyền thống hào hùng của chiến thắng Bình Giã năm xưa.

(Tham luận của Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại Hội thảo khoa học 60 năm Chiến thắng Bình Giã - giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm)

 

.
.
.