Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển

Thứ Tư, 27/11/2024, 13:03 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 26/11/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển, gắn với các địa phương: Hải Phòng, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau.

Bảng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bảng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến hậu cần chiến lược trên Biển Đông, bảo đảm nhiệm vụ vận tải quân sự đặc biệt, do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân  giải phòng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông.

Tuyến đường được thành lập ngày 23/10/1961, để vận chuyển tăng cường nguồn nhân lực và vũ khí từ miền Bắc Việt Nam chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam.

Suốt 14 năm hoạt động (1961 - 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng quân sự (chủ yếu là vũ khí), cùng hàng chục ngàn cán bộ từ Bắc vào Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Di tích lịch sử bến Lộc An, nơi đón những con tàu không số năm xưa. Ảnh: THANH HỒNG.
Di tích lịch sử bến Lộc An, nơi đón những con tàu không số năm xưa. Ảnh: THANH HỒNG.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, bến Lộc An được chọn là một đầu mối của đường Hồ Chí Minh trên biển. Bến Lộc An nằm bên cửa sông Ray - con sông bắt nguồn từ suối Gia Tiên. Bên phải cửa biển là xã Lộc An (huyện Đất Đỏ); bên trái là xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc). Hai bên sông Ray là rừng nguyên sinh ngập mặn, nối liền với rừng Bình Châu, Phước Bửu và hệ thống rừng già rộng lớn ở phía Bắc và Tây Bắc.

Cửa Lộc An thuận lợi cho việc vận chuyển, cất giấu và chuyển tải vũ khí đến các căn cứ kháng chiến. Vùng này còn có bãi biển Bình Châu, Hồ Cốc, Hồ Tràm và cửa Lộc An phía sông Ray luồng lạch khá sâu, Nhân dân trong vùng có truyền thống cách mạng, mạng lưới bố phòng của địch của vùng này cũng mỏng, do địa hình rừng núi ngăn cách nên chúng hoạt động hạn chế. 

Chọn bến Lộc An để Tàu không số cập bến vừa bảo đảm bí mật, thuận lợi giải phóng vũ khí, vừa có khả năng tác chiến tốt, hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra. Tại bến Lộc An đã có 3 chuyến tàu không số của đoàn 125 Hải quân đã cập bến thành công, vận chuyển lần lượt được 20, 44, 70 tấn vũ khí trong 3 lần cập cảng để trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng từ đó góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Bến Lộc An được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.

HOÀNG BÁCH

;
.