Quy định cụ thể hơn về tiêu chí phân loại nhóm khoáng sản
Chiều 5/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận dự Luật Địa chất và khoáng sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Góp ý về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đại biểu Hùng cho biết trong dự thảo Luật, hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án khai thác khoáng sản hiện tại không được đưa vào phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều trường hợp hoạt động chế biến diễn ra độc lập và không gắn trực tiếp với khai thác. Việc không quy định cụ thể trong luật có thể tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong công tác quản lý và giám sát, có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng để tránh nghĩa vụ tài chính và trách nhiệm môi trường. Từ đó, đại biểu kiến nghị cần bổ sung quy định về hoạt động chế biến khoáng sản độc lập vào phạm vi điều chỉnh của Luật.
Về chính sách ưu tiên và hỗ trợ công tác điều tra địa chất (Điều 3), Dự thảo Luật đã đề xuất dành kinh phí từ ngân sách cho công tác điều tra địa chất, tuy nhiên, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng. Đại biểu Hùng phân tích thực tế, kinh phí điều tra địa chất là một khoản đầu tư lớn và thường xuyên, nếu không được quy định cụ thể sẽ gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Để đảm bảo tính khả thi, đại biểu kiến nghị cần cân nhắc có quy định rõ tỷ lệ hoặc mức kinh phí trích lại từ nguồn thu khai thác khoáng sản cho hoạt động điều tra địa chất, nhằm tạo sự chủ động trong công tác điều tra và đánh giá khoáng sản của quốc gia.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Về phân loại và quản lý nhóm khoáng sản (Điều 6), theo đại biểu Hùng, dự thảo Luật hiện phân loại khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý, nhưng tiêu chí phân loại chưa đủ cụ thể, dễ dẫn đến một loại khoáng sản có thể thuộc hai nhóm khác nhau. Điều này không chỉ gây khó khăn trong quản lý mà còn dễ dẫn đến tình trạng khai thác lộn xộn, thất thoát tài nguyên. Đặc biệt, đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp và xây dựng, có nhiều đặc thù về chất lượng và công dụng nên cần quy định cụ thể hơn, tránh lẫn lộn với các nhóm khoáng sản khác. Vì vậy, đại biểu đề xuất bổ sung quy định rõ ràng hơn về tiêu chí phân loại nhóm khoáng sản và cần có danh mục cụ thể về từng loại khoáng sản trong các nhóm.
Về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản (Điều 81, Điều 82), đại biểu Hùng thông tin dự thảo Luật có quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, tuy nhiên, các điều khoản này chưa đủ mạnh để bảo đảm môi trường được khôi phục sau khai thác. Nhiều địa phương sau khai thác không có đủ kinh phí và lực lượng để khôi phục môi trường dẫn đến ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các chế tài chặt chẽ hơn, yêu cầu tổ chức, cá nhân phải hoàn thành trách nhiệm phục hồi môi trường trước khi đóng cửa mỏ, đồng thời thành lập một quỹ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản để phục vụ công tác phục hồi sau khai thác, góp phần đảm bảo môi trường sống bền vững.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Châu Vũ - Phúc Lưu
(Từ Hà Nội)