Trích tham luận của ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với cách mạng miền Nam, đánh dấu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy, chứng tỏ sự trưởng thành của lực lượng vũ trang giải phóng, tạo bước ngoặt so sánh lực lượng trên chiến trường theo hướng có lợi, kịp thời động viên toàn quân, toàn dân vượt qua khó khăn gian khổ, vươn lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tượng đài chiến thắng Bình Giã. Ảnh: NHẬT LINH |
Sau ngày giải phóng (1975), Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vươn lên từ trong “gian lao mà anh dũng”, nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng và phát triển. Diện mạo kinh tế - xã hội trên địa bàn từng bước khởi sắc trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dầu khí và hải sản, nhất là từ khi thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (5/1979) và thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (8/1991).
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 08 đơn vị hành chính, gồm thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc và huyện đảo Côn Đảo. Toàn tỉnh có 82 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Riêng huyện Côn Đảo thực hiện chính quyền một cấp, dưới sự quản lý của các cơ quan chức năng huyện, trực tiếp đến 10 khu dân cư, không có cấp xã, phường, thị trấn.
Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, quy mô kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 15 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 6% tổng GDP quốc gia; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) xếp thứ 4/63 tỉnh, thành cả nước, đóng góp hơn 5% tổng thu ngân sách quốc gia; là một trong số ít các tỉnh, thành phố tự chủ cân đối ngân sách địa phương từ năm 1996 đến nay; các chỉ tiêu GRDP bình quân/người, thu nhập GNI (chỉ số thu nhập quốc dân) bình quân/người của tỉnh đứng đầu vùng và cả nước.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, giảm dần phụ thuộc vào ngành khai khoáng, dầu và khí. Năng suất, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế ngày càng được nâng cao rõ nét.
Bên cạnh các thế mạnh truyền thống, dịch vụ cảng biển và logistics đang dần trở thành ngành kinh tế chủ lực mới của tỉnh, đóng góp tích cực vào chiến lược kinh tế theo hướng xuất khẩu của cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay, cũng như trong những thập niên sắp tới.
Sự khởi sắc của nền kinh tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện rõ nét ở diện mạo đô thị và nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa của Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm cao hàng đầu cả nước với 60% dân số sống ở đô thị. Diện mạo nông thôn được nâng tầm tương xứng, nhờ quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 6 năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 47/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới (100%), có 37/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 7/8 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ và các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc, trong đó huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023. Huyện Côn Đảo đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù theo Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ .
Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều chính sách chăm lo cho các tầng lớp nhân dân, hỗ trợ đời sống công nhân lao động, nhất là các vấn đề cấp bách như: tiền lương, thu nhập, nhà ở, môi trường làm việc, nhà trẻ… Tỉnh quan tâm chỉ đạo các chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế; hỗ trợ lao động khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; quan tâm triển khai chính sách hỗ trợ, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế của người dân. Nhiều chính sách giảm nghèo thiết thực như hỗ trợ cây, con giống cho người dân nghèo; chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi bò sinh sản, heo, gà thả vườn, nuôi dê; đào tạo nghề ngắn hạn; hỗ trợ sửa, xây nhà cho người nghèo; miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ Bảo hiểm y tế.
Tỉnh quan tâm hỗ trợ thanh niên về giới thiệu việc làm, tạo cơ chế tăng nguồn vốn vay, mở các khóa đào tạo và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo điều kiện cho thanh niên học tập, cống hiến xã hội, nhất là đối tượng thanh niên yếu thế, thanh niên đồng bào dân tộc.
Trong lĩnh vực giáo dục, hệ thống trường lớp ngày càng hoàn thiện, có thiết bị hiện đại phục vụ việc dạy và học. Ngành giáo dục đào tạo tỉnh triển khai phong trào “Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi đầu trong việc triển khai Chương trình “Sữa học đường” để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em; có chính sách hỗ trợ tiền trực ca trưa cho giáo viên mầm non, chế độ khuyến khích tài năng cho học sinh giỏi. Trong vòng 15 năm gần đây, học sinh các trường trong tỉnh đã đạt gần 1.000 giải quốc gia, hàng ngàn Huy chương Olympic 30/4 khu vực phía Nam, đặc biệt là thành tích Thủ khoa IMO năm học 2016 - 2017 (Giải thưởng Toán học danh giá nhất dành cho học sinh Trung học phổ thông).
Ngành Y tế đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người dân. Năm 2015, Bệnh viện Bà Rịa có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng đã khánh thành và đưa vào sử dụng với 700 giường bệnh, quy mô lớn nhất khu vực miền Đông Nam Bộ, với nhiều máy móc hiện đại phục vụ khám, chẩn đoán và điều trị. Bệnh viện Vũng Tàu được xây dựng mới. Trạm y tế các xã, phường cũng được đầu tư khang trang, có đủ trang thiết bị khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Tỉnh đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, ưu tiên đầu tư những vùng đặc biệt khó khăn. Hằng năm, tỉnh bố trí trên 200 tỷ đồng (hơn 8,6 triệu USD) để thực hiện hàng trăm công trình dân sinh cho vùng đồng bào dân tộc, như: kiên cố hóa đường giao thông, xây dựng các công trình thủy lợi, điện trung thế, hạ thế,... Tỉnh chi gần 25 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD) mỗi năm để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số diện hộ nghèo xây mới và sửa chữa nhà cửa ở, lắp đặt điện, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất…
Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không còn thôn, ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là địa bàn đặc biệt khó khăn. Nhờ sự quan tâm, chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống của Đảng bộ và chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc đã từng ngày vươn lên trong cuộc sống, đoàn kết xây dựng quê hương. Trong đó, huyện Châu Đức - chiến trường chính của Chiến dịch Bình Giã năm xưa, từ một vùng quê nghèo, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh đang chuyển
mình, phát triển mạnh mẽ, trở thành vùng đất trù phú, diện mạo đô thị và nông thôn khởi sắc, hướng đến thành khu kinh tế năng động.
Ngày 16 tháng 12 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg “Về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giàu mạnh - văn minh.
Năm 2024, hướng tới những ngày kỷ niệm lớn, trong đó có Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bình Giã (1964 - 2024), quân và dân trong tỉnh đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh tiếp tục ổn định và phát triển bền vững.
Có 13/14 chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng trưởng của cả năm 2024 theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 ước tính 48.674 tỷ đồng, đạt 54,94% so với dự toán và tăng 10,63% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước tính là 13.579 tỷ đồng, ước đạt 41,49% so với dự toán và tăng 35,37% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình cân đối thu, chi ngân sách địa phương cơ bản ổn định, tồn quỹ ngân sách đảm bảo nhu cầu chi tiêu theo dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương thu hút vốn đầu tư FDI trong tốp đầu cả nước, nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng nhà ở dân cư tăng cao . Các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, đẩy nhanh khởi công và nghiệm thu các công trình theo kế hoạch.
Các công trình trọng điểm của tỉnh tiếp tục được chú trọng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thi công xây lắp công trình dự án lớn, như: Dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 4.963,533 tỷ đồng (năm 2024 dự án được bố trí 987 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương); Dự án cầu Phước An, tổng mức đầu tư hơn 4.877 tỷ đồng; Dự án đường Long Sơn - Cái Mép tổng mức đầu tư hơn 1.188 tỷ đồng. Các Dự án ĐT994, Đường 991B, Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, thúc đẩy kết nối liên hoàn trong và ngoài tỉnh, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh ngày càng vững chắc.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí ước đạt 229.562 tỷ đồng, tăng 11,65% so với cùng kỳ.
Ngành thương mại, dịch vụ đạt được nhiều kết quả tích cực, chuỗi các sự kiện văn hoá, lễ hội, chương trình nghệ thuật của tỉnh được triển khai tích cực, sôi động, đa dạng, tạo điểm nhấn thu hút du khách; từ đó tạo doanh thu, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế cho ngành du lịch(1).
Các chính sách xóa đói giảm nghèo cho người dân được thực hiện đầy đủ, kịp thời (2), tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo khoảng 143,1 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương 40,9 tỷ đồng; địa phương 102,2 tỷ đồng. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được quan tâm, các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và trợ cấp xã hội, thực hiện kịp thời và đầy đủ (3). Có 47/47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 36/47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Mặc dù tình hình trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, thách thức; xuất nhập khẩu đối mặt với gia tăng giá cước vận tải, do tác động của các xung đột chính trị và sự lên giá của đồng USD, phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh… Nhưng, đà phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, tăng trưởng khả quan, việc làm và thu nnhập của người lao động có nhiều triển vọng(4).
Đời sống của cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người lao động vẫn ổn định. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích luỹ của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Thu nhập bình quân người lao động trong lĩnh vực quản lý, khu vực sản xuất, kinh doanh đảm bảo so với bình quân chung; các chế độ phụ cấp, trợ cấp và giải quyết việc làm được các doanh nghiệp đảm bảo đúng chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường niềm tin của Nhân dân.
Chiến thắng Bình giã đã đi vào sử sách 60 năm qua, địa danh từ xã đến tỉnh cũng đã nhiều lần thay đổi. Xã Bình Giã xưa thuộc Ban Cán sự huyện Đức Thạnh, nay đã tách ra thành 2 xã Bình Giã và Bình Trung thuộc huyện Châu Đức. Tỉnh Bà Rịa xưa đã đổi tên nhiều lần, thành tỉnh Long Bà Biên (1966), Bà Rịa- Long Khánh (1967), Phân khu Bà Rịa (5/1971), Bà Rịa- Long Khánh (1972), tách ra thành tỉnh Bà Rịa- Long Khánh và thành phố Vũng Tàu (4/1975), nhập lại trực thuộc tỉnh Đồng Nai (1976), rồi tách ra thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (5/1979), thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (8/1991) cho đến hiện nay.
Dù nhiều lần thay đổi tên gọi, điều chỉnh địa giới, nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay về cơ bản là vùng đất Mô Xoài xưa, trùng với địa giới huyện Phước An, phủ Phước Tuy được các bậc tiền nhân mở mang bờ cõi thời các Chúa Nguyễn từ thế kỷ XVII. Trong suốt chiều dài lịch sử, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, vùng đất của những người lao động cần cù khai phá, dựng xây, mà rất anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Để ghi dấu chiến công vang dội Chiến thắng Bình Giã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã xây dựng tượng đài Chiến thắng Bình Giã tại trung tâm thị trấn Ngãi Giao. Khuôn viên Tượng đài rộng 20.000m2, gồm vườn hoa, khu Tượng đài, Đền thờ và các công trình phụ... với biểu tượng ba thứ quân thực hiện ba mũi giáp công trong chiến thắng Bình Giã. Tượng đài chiến thắng Bình Giã là một trong những điểm tham quan du lịch, giáo dục tư tưởng và lòng yêu nước của thế hệ trẻ. Di tích đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 2754-QĐ/BT, ngày 15 tháng 10 năm 1994.
Huyện Châu Đức được tái thành lập ngày 15 tháng 8 năm 1994, tổng diện tích hơn 42.262ha và hơn 165.000 dân; có 16 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 1 thị trấn và 15 xã; hiện có hơn 2.220 hộ với gần 9.500 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, đông nhất là đồng bào dân tộc Châu Ro. Trước đây, nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ. Một số hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, gặp nhiều khó khăn. Trong gần 3 thập kỷ qua, cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch tích cực: tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp đã giảm từ 77% xuống còn 46%; ngành công nghiệp xây dựng tăng từ 6,2% lên 22%; thương mại - dịch vụ tăng từ 16,8% lên 32%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,1 triệu đồng/năm lên 85 triệu đồng/năm. Huyện Châu Đức hiện là một trong hai địa phương có diện tích khu công nghiệp lớn nhất tỉnh, với 3.082ha, chiếm gần 30% tổng diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn hoạt động hiệu quả, với tỷ lệ lấp đầy cao. Đến nay, toàn huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hệ thống hạ tầng cơ sở được hoàn thiện, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện nâng cao một cách toàn diện, hầu hết các gia đình vùng đồng bào dân tộc Châu Ro đã có nhà ở kiên cố, sử dụng điện lưới trong sinh hoạt, sản xuất, được hỗ trợ cây, con giống và nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu…
Phát huy chiến thắng Bình Giã, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra sức thi đua giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương đất nước; ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành địa phương phát triển trong nhóm dẫn đầu của cả nước, là tỉnh có nền kinh tế hiện đại, mức sống người dân cao, xã hội ổn định, văn minh, bền vững trên cơ sở phát triển và kết nối các đô thị bằng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ hàng hải, du lịch và công nghiệp với nền kinh tế năng động và phát triển xứng tầm khu vực.
1. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 6 năm 2024 ước tính 1.434,3 tỷ đồng, tăng 26,88% so với cùng kỳ năm trước.
2. Phối hợp và xét duyệt cho 122 hộ nghèo và hộ thoát nghèo vay với số tiền 5,948 triệu đồng; cấp 16.138 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền 4 tỷ đồng; trợ cấp tết là 13.923 lượt hộ nghèo và hộ thoát nghèo với số tiền 11.060 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, huyện và nguồn vận động; hỗ trợ tiền điện cho 1.138 hộ nghèo với số tiền 335 triệu đồng.
3. Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 40.270 lượt người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với số tiền hơn 70 tỷ đồng, trợ cấp một lần cho 344 người có công với cách và thân nhân người có công với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; tiếp nhận 754 hồ sơ người có công (đã giải quyết 730 hồ sơ, 24 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết). Tiếp 28 đoàn và cá nhân đến thăm viếng mộ liệt sĩ với tổng số là 5.602 người. Trợ cấp xã hội hằng tháng 29.234 người.
4. Tuy nhiên ngành xuất nhập khẩu vẫn ghi nhận kết quả ấn tượng, các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2024. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước 6 tháng đầu năm đạt 7.092,4 triệu USD, tăng 9,1% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí ước 2.657 triệu USD, tăng 9,6%.