Nhớ về một thời hoa lửa

Thứ Hai, 11/11/2024, 17:01 [GMT+7]
In bài này
.

Chiến dịch Bình Giã - nơi chứng kiến những trận chiến khốc liệt, sự quả cảm và can trường của quân và dân ta. Câu chuyện của những người lính trinh sát đi đầu trong tuyến lửa là minh chứng sống động về một thời gian khổ mà oai hùng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, nguyên chiến sĩ trinh sát Tiểu đội phó Tiểu đội 2, Đại đội 445 thăm lại chiến trường xưa, nơi diễn ra trận đánh diệt gọn Tiểu đoàn 4 thủy quân đánh bộ của địch.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, nguyên chiến sĩ trinh sát Tiểu đội phó Tiểu đội 2, Đại đội 445 thăm lại chiến trường xưa, nơi diễn ra trận đánh diệt gọn Tiểu đoàn 4 thủy quân đánh bộ của địch.

Nguy hiểm trong từng bước chân

Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã, chúng tôi tìm gặp những chiến sĩ tham gia Chiến dịch Bình Giã năm xưa để ôn lại những ký ức khó quên của một thời lửa đạn.

Ở tuổi 87, sức khỏe giảm sút và trí nhớ không còn minh mẫn nhưng khi chúng tôi hỏi về “Bình Giã”, ký ức về những ngày chiến đấu khốc liệt trên chiến trường lại ùa về trong tâm trí của ông Lý Sơn (dân tộc Châu Ro, ngụ xã Sơn Bình, huyện Châu Đức).

Ông kể, chiến tranh nổ ra trên quê hương, ông được cán bộ vận động tham gia lực lượng du kích địa phương khi 27 tuổi. Sau thời gian huấn luyện và chiến đấu, ông được giao phụ trách 1 tiểu đội du kích phối hợp với lực lượng trinh sát của tỉnh thường xuyên xâm nhập ấp chiến lược Bình Giã để nắm bố phòng, tình hình địch.

“Ấp Bình Giã được địch xây dựng kiên cố với hào sâu cắm chông chi chít, hàng rào tre gai và dây kẽm gai. Địch còn gài mìn dọc theo hàng rào, chỉ sơ hở khi đột nhập là bị nổ ngay”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, lọt qua hàng rào ấp chiến lược đã khó, xâm nhập vào trong ấp còn nguy hiểm muôn trùng. “Mỗi lần xâm nhập ấp, tôi phải thận trọng rà từng bước chân bởi quân bố phòng dày đặc. Địch còn bố trí nhiều bẫy mìn và hầm ngầm bí mật. Ấp có diện tích lớn, cây cối um tùm như rừng, nếu đi sai không những bị mất liên lạc mà bị lọt vào hầm ngầm là bị địch tiêu diệt ngay”, ông Sơn nhớ lại.

Đội du kích của ông Sơn chia thành từng tốp, móc nối với cơ sở ở bên trong ấp Bình Giã mới thọc sâu được vào trong ấp, nắm tình hình địch, rải dây điện thoại liên lạc thuận lợi rút ra vùng an toàn. Tiểu đội du kích cũng dẫn đường, phối hợp với bộ đội địa phương thực hiện những trận tiến công vào ấp Bình Giã để “khêu ngòi” và truy kích quân địch tháo chạy khi thua trận. Thời gian không làm nhiệm vụ, ông cùng người dân địa phương tích cực làm rẫy tăng gia sản xuất để có lương thực thực phẩm chiến đấu lâu dài.

Ông Lý Sơn (ngụ xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) kể về những hiểm nguy khi làm nhiệm vụ xâm nhập ấp chiến lược Bình Giã.
Ông Lý Sơn (ngụ xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) kể về những hiểm nguy khi làm nhiệm vụ xâm nhập ấp chiến lược Bình Giã.

Quyết tâm đi đánh giặc để giải phóng quê hương

Với ông Nguyễn Văn Hoàng, nguyên chiến sĩ trinh sát, Tiểu đội phó Tiểu đội 2, Đại đội 445, trận Bình Giã là trận đánh lớn và ác liệt nhất từ khi ông lên đường tham gia cách mạng. Cha mẹ thoát ly tham gia kháng chiến và hy sinh khi ông còn đỏ hỏn. Lớn lên, ông làm công nhân cao su ở Xà Bang đến tuổi 18 thì người chú ruột về thăm và giới thiệu đi làm cách mạng. “Khẩu súng trường đeo sau lưng còn cao vượt quá đầu nhưng vì muốn trả thù cho cha mẹ, căm thù quân giặc nên tôi quyết tâm đi đánh giặc, giải phóng quê hương”, ông Hoàng nói.

Tuổi đôi mươi đi bộ đội, ông cùng những tân binh khác còn nhiều bỡ ngỡ và chưa biết… đánh giặc. Nhìn xe tăng địch với nòng pháo lù lù tiến tới khi trong tay chỉ có vũ khí thô sơ khiến những tân binh có phần nao núng. Nhưng nghe tiếng hô xung phong vang dội thì nỗi sợ hãi biến mất, các chiến sĩ nhất loạt xông lên giết giặc. “Qua chiến đấu, chúng tôi được tôi rèn, vượt qua sợ hãi. Đồng đội thêm gắn bó, sát cánh chiến đấu, dù có bị thương cũng không bỏ nhau”, ông Hoàng kể.

Làm nhiệm vụ trinh sát, ông và các đồng đội luôn sẵn sàng tâm thế ra đi không nghĩ ngày trở về. Ông thường xuyên luyện tập xâm nhập ấp chiến lược bằng cách lợi dụng lúc nhập nhoạng tối chui qua các lớp hàng rào, phát hiện mìn gài ở hàng rào thì gỡ và dùng chính mìn đó đặt bẫy địch. Sau khi tìm hiểu bố phòng, nắm tình hình địch rồi xóa dấu vết khi luồn qua hàng rào rút khỏi ấp chiến lược.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, nguyên chiến sĩ trinh sát Tiểu đội phó tiểu đội 2, Đại đội 445 cho biết, trận Bình Giã là trận đánh lớn và ác liệt nhất trong binh nghiệp của ông.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, nguyên chiến sĩ trinh sát Tiểu đội phó tiểu đội 2, Đại đội 445 cho biết, trận Bình Giã là trận đánh lớn và ác liệt nhất trong binh nghiệp của ông.

Ông Hoàng cho biết, xâm nhập ấp Bình Giã rất khó khăn, trinh sát phải bò nhích từng tí tới hàng rào, dùng gậy tre chống rào kẽm gai, gỡ mìn. Thậm chí, dây điện thoại để liên lạc vừa rải ra cũng bị địch tìm, cắt đứt.

Chiến dịch Bình Giã mở ra, ông Hoàng được phân công nhiệm vụ đi kiểm tra, nắm chắc tình hình địch hành quân, trú đóng. Bình Giã có cây cối um tùm như rừng, ông phải trinh sát kỹ từng khu vực, tránh bãi mìn, nơi địch phục kích, chọn vị trí phù hợp và bảo đảm an toàn mới dẫn quân chủ lực tới đóng quân.

Mở màn chiến dịch, ông Hoàng cùng các trinh sát dẫn bộ đội chủ lực tiến công ấp Bình Giã và hướng dẫn đội cối đánh những vùng lân cận để phân tán lực lượng địch. Chiến trường khốc liệt, trinh sát vượt lên muôn vàn nguy hiểm, gian khổ đi kiểm tra địa hình, địa vận rồi dẫn bộ đội chủ lực tổ chức ém quân, bố trí đội hình bao vây tiêu diệt địch. Xong trận, trinh sát dẫn đường cho bộ đội rút quân về Xuân Sơn, chuyển thương binh ra khu vực rừng lá để chữa trị.

Kết thúc đợt 2 của chiến dịch, tiểu đội hy sinh gần hết, ông Hoàng cũng được điều động đi làm nhiệm vụ ở rừng Sác. Thắng lợi vang dội của Chiến dịch Bình Giã đã cổ vũ tinh thần Nhân dân, phong trào cách mạng ở địa phương lên cao. Lúc này, rất đông thanh niên vùng Long Tân, Long Phước, Long Điền… xung phong lên đường tòng quân, góp sức đánh giặc giải phóng quê hương.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
.