Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực TT-TT. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn. Ảnh: CHÂU VŨ |
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nêu câu hỏi:
Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm từ báo chí quốc tế là cần thiết. Bộ TT-TT có kế hoạch gì để tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng và vị thế của báo chí Việt Nam trên trường quốc tế? Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp xử lý vấn đề này trong thời gian tới như thế nào?
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT. Ảnh: CHÂU VŨ |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến về hợp tác quốc tế báo chí, Bộ trưởng Bộ TT-TT nêu rõ, không nhiều quốc gia quản lý báo chí, hiện có hợp tác quốc tế với các nước có quản lý báo chí. Chúng ta cũng có chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia không có luật về báo chí, nhưng ở các quốc gia này có quy định ở mức dưới luật liên quan đến hoạt động báo chí.
Bộ trưởng khẳng định, luôn coi trọng thông tin truyền thông, trong rất nhiều chính sách mà Bộ đề xuất đều có tham vấn trong kinh nghiệm quốc tế.
Tiếp tục chương trình chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Phúc đặt câu hỏi:
Tại Báo cáo phục vụ phiên chất vấn có nêu thực trạng doanh nghiệp viễn thông gặp khó khăn trong việc thuê vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng di động (BTS). Tuy nhiên, cử tri lại có phản ánh về tình trạng các đơn vị viễn thông đặt nhiều trạm thu - phát sóng trong các khu dân cư, bao gồm các đô thị tập trung đông dân cư, làm cho các thiết bị điện, điện tử trong gia đình các hộ dân bị hư hỏng nhất là khi có mưa và sấm sét.
Cử tri cũng cho rằng có những triệu chứng thể hiện người dân sinh sống xung quanh khu vực các trạm thu - phát sóng bị ảnh hưởng sức khỏe, nhất là người già và trẻ em.
Từ thực trạng nêu trên, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ TT-TT có giải pháp gì để thực hiện tốt công tác quản lý, cũng như tổ chức đánh giá tác động ra sao đối với việc lắp đặt các trạm thu - phát sóng trong khu dân cư, cùng với việc giải quyết hạn chế nêu trên để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị viễn thông nhằm tăng cường phát triển hạ tầng nhưng không ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe của người dân?
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT. Ảnh: CHÂU VŨ |
Trả lời chất vấn đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, về viễn thông, các tiêu chuẩn kỹ thuật đều được quốc tế hóa. Chúng ta cũng dùng các tiêu chuẩn như các quốc gia trên thế giới. Khi một trạm được phát sóng thì phải được các đơn vị đến kiểm định, đạt tiêu chuẩn mới được phát sóng.
Về thông tin đại biểu nêu, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại.
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị: Bộ trưởng cho biết việc quản lý và kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về pháp lý và công nghệ. Bộ TT-TT có kế hoạch gì để tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia trên không gian mạng? Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp xử lý vấn đề này trong thời gian tới như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT. Ảnh: CHÂU VŨ |
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động theo luật pháp khác, không giống với hệ thống luật pháp của Việt Nam, do đó gây khó khăn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua Bộ TT-TT đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỷ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10-20% năm 2018 đến nay là tỷ lệ trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng, đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.
Hiện nay các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố…; đồng thời hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm. Đặc biệt nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ TT-TT về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU