Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (BTL Vùng CSB 3) đã tích cực tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển. Qua đó, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 3 cùng các y, bác sĩ Trung tâm Quân dân y Côn Đảo phối hợp cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí trong hầm cá. |
Kịp thời cứu sống ngư dân
Từ đầu năm đến nay, cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 3 đã nỗ lực ứng phó, thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản cho ngư dân.
Đơn cử, 16 giờ ngày 4/11 vừa qua, trong quá trình tuần tra trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, tàu CSB 8005, BTL Vùng CSB 3 nhận thông tin trên tàu cá BV 4643 TS (do ông Trần Văn Tín làm thuyền trưởng) có một thuyền viên bị tai nạn lao động gãy đốt ngón tay, máu chảy nhiều, nguy cơ nhiễm trùng cao, tình trạng của nạn nhân rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trong điều kiện sóng to, gió lớn, cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế trên tàu CSB 8005 đã nỗ lực hạ xuồng cao tốc tiếp cận tàu có người bị nạn. Đồng thời nhanh chóng sơ cứu, cố định vết thương, cho nạn nhân sử dụng kháng sinh liều cao. Khoảng 2 giờ sau, sức khỏe nạn nhân ổn định và được bàn giao cho tàu BV 4643 TS để đưa vào bờ tiếp tục theo dõi, điều trị.
Trước đó, 19 giờ 45 phút tối 17/8, cán bộ, nhân viên tàu CSB 2011 (thuộc Hải đội 33, BTL Vùng CSB 3) trong quá trình tuần tra trên khu vực vùng biển Côn Đảo phát hiện trên ghe cá mang số hiệu NT91205 có ngư dân Nguyễn Quang (53 tuổi, ngụ xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) trong tình trạng hôn mê, ngạt thở do bị ngạt khí độc trong hầm cá.
Ngay lập tức, cán bộ, nhân viên tàu CSB 2011 khẩn trương sơ cứu nạn nhân và báo cáo Chỉ huy Hải đội 33. Khoảng 20 giờ cùng ngày, cán bộ, nhân viên tàu hỗ trợ đưa nạn nhân lên xe cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Quân dân y Côn Đảo. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định.
Trực tiếp tham gia ứng cứu trường hợp ngư dân gặp nạn tại vùng biển Côn Đảo, Thượng úy Đoàn Văn Quang, Chính trị viên tàu CSB 2011 cho hay, chỉ chậm vài giây là người bị nạn sẽ không qua khỏi. “Khoảnh khắc những ngư dân bị nạn trên biển được cứu sống, anh em chiến sĩ ai nấy đều vui mừng, nhẹ nhõm như chính người thân của mình vừa thoát khỏi cửa tử”, Thượng úy Đoàn Văn Quang nói.
Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý thông tin 772 vụ việc liên quan đến công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; trực tiếp điều động hàng chục lượt tàu, cấp cứu, cứu nạn, hỗ trợ y tế 325 người, hỗ trợ cứu kéo 8 phương tiện gặp nạn trên biển, vớt được 6 thi thể… |
Mệnh lệnh từ trái tim
Đại tá Lê Văn Tú, Chính ủy BTL Vùng CSB 3 cho biết, đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển từ Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến cửa Định An (tỉnh Trà Vinh), cùng toàn bộ quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây là vùng biển rộng, khí hậu khắc nghiệt.
Thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên vùng biển quản lý, Vùng CSB 3 còn tích cực tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Cán bộ, chiến sĩ trong toàn Vùng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, không quản hiểm nguy thực hiện tốt phương châm cứu nhân dân gặp nạn như cứu người thân của mình và coi đây là mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sĩ CSB.
Hàng năm, BTL Vùng CSB 3 luôn xây dựng, bổ sung, điều chỉnh và huấn luyện, diễn tập thành thục kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, đúng quy chế với các lực lượng trong cứu hộ, cứu nạn trên biển; kiện toàn ban chỉ đạo, chỉ huy các cấp; tăng cường hệ thống cơ sở vật chất cứu hộ, cứu nạn… Qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho đơn vị nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên biển, nhất là ở các vùng biển xa.
"Dự báo những năm tới, tình hình thời tiết trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó để cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có tình huống xảy ra, Vùng tiếp tục thực hiện nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ, nắm và dự báo chính xác diễn biến thời tiết để chủ động tham mưu đề xuất các biện pháp xử lý; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó kịp thời, hiệu quả", Đại tá Lê Văn Tú, Chính ủy BTL Vùng CSB 3 nói.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH