Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quan tâm việc sử dụng vốn đầu tư công và đầu tư cho giáo dục, y tế

Thứ Ba, 05/11/2024, 17:44 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận dự Luật Địa chất và khoáng sản.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: CHÂU VŨ

Đầu tư về giáo dục, y tế còn hạn chế

Thảo luận ở hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế...

Theo đại biểu, nếu thực hiện tự chủ, băn khoăn lớn nhất của các bệnh viện hay trường đại học công lập là phải trả khoản tiền vay lãi suất cho ngân hàng khi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Điều này khiến các bệnh viện và trường đại học phải tăng viện phí hoặc học phí cao lên. Do đó, người bệnh, người học phải chi trả phí dịch vụ cao.

Với thực tế nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ NSNN cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao...

Quan tâm đến giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%)... Trong nhiều nội dung đánh giá về khó khăn, đại biểu đặc biệt quan tâm đến chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án; người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt; việc bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, NSNN.

Quy định cụ thể hơn về tiêu chí phân loại nhóm khoáng sản

Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật.

Góp ý về phân loại và quản lý nhóm khoáng sản (Điều 6), đại biểu Hùng cho biết, dự thảo Luật hiện phân loại khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý, nhưng tiêu chí phân loại chưa đủ cụ thể, dễ dẫn đến một loại khoáng sản có thể thuộc hai nhóm khác nhau. Điều này không chỉ gây khó khăn trong quản lý mà còn dễ dẫn đến tình trạng khai thác lộn xộn, thất thoát tài nguyên.

Đặc biệt, đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp và xây dựng, có nhiều đặc thù về chất lượng và công dụng nên cần quy định cụ thể hơn, tránh lẫn lộn với các nhóm khoáng sản khác. Vì vậy, đại biểu đề xuất bổ sung quy định rõ ràng hơn về tiêu chí phân loại nhóm khoáng sản và cần có danh mục cụ thể về từng loại khoáng sản trong các nhóm.

Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương và cộng đồng nơi có tài nguyên khoáng sản (Điều 8), đại biểu Hùng nhận định dự thảo Luật quy định các tổ chức, cá nhân khai thác phải có trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng dân cư, nhưng chưa nêu rõ mức hỗ trợ cụ thể và cơ chế điều tiết. Tại các địa phương có khai thác khoáng sản, nhu cầu về phát triển hạ tầng và cải thiện môi trường sống là rất lớn, trong khi ngân sách địa phương còn hạn hẹp.

Đại biểu Hùng đề nghị cần quy định rõ hơn tỷ lệ điều tiết thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản để lại cho địa phương nhằm phục vụ công tác đầu tư hạ tầng, khôi phục môi trường và đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương. Theo đại biểu, đây là yếu tố quan trọng để duy trì sự đồng thuận của cộng đồng nơi có hoạt động khai thác, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực từ khai thác khoáng sản.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

 
;
.