.
KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV

Đề xuất áp dụng mức thuế 10% với cơ quan báo chí

Cập nhật: 18:28, 28/11/2024 (GMT+7)

Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận ngày 28/11.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận ngày 28/11.

Cần hỗ trợ nhiều hơn cho báo chí

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với báo chí.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, hiện nay, các cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục thay vì kinh doanh. Việc áp dụng mức thuế TNDN phổ thông 20% cho các khoản thu ngoài nhiệm vụ chính như quảng cáo, tổ chức sự kiện tạo áp lực lớn lên tài chính của báo chí.

Đại biểu nêu rõ các tổ chức công ích được hưởng chính sách miễn hoặc giảm thuế TNDN nhưng báo chí lại chưa được áp dụng cơ chế hỗ trợ tương tự, dù có vai trò quan trọng trong xã hội.

“Cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc rất thấp. Cơ chế kê khai thuế cần đơn giản, ưu tiên hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc xác định thu nhập chịu thuế và áp dụng các ưu đãi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai và quyết toán thuế để giảm gánh nặng hành chính cho cơ quan báo chí”, đại biểu Bình đề xuất.

Bên cạnh đó, Luật thuế hiện tại chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như DN thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí trong hệ thống chính trị, xã hội.

Từ đó, đại biểu đề xuất 7 nội dung ưu đãi với cơ quan báo chí. Trong đó, áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% hoặc có thể thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện.

Đại biểu đề nghị miễn thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị, truyền thông; tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị được miễn thuế và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh hưởng ưu đãi thuế suất thấp.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cũng đề nghị giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí. Ngân sách Nhà nước cũng không mất đi bao nhiêu nhưng là sự động viên rất quan trọng với báo chí. Đặc biệt khi giảm thuế thì tăng giá trị thông tin, tăng giá trị tinh thần để nhà báo làm việc tốt hơn.

Giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay, nếu Quốc hội đồng ý, đề xuất áp dụng thuế suất 10% giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Cùng ngày, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025…

Hạn chế thất thu thuế, tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận là quy định về người nộp thuế và thu nhập chịu thuế TNDN.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, làm rõ hơn tiêu chí xác định thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam trong trường hợp DN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Đồng thời, Dự thảo Luật cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về cách kê khai và nộp thuế để bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực hiện, nhất là với những DN xuyên biên giới. Điều này giúp hạn chế thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng.

CHÂU VŨ - HUYỀN TRANG

.
.
.