.

Khắc phục tình trạng trốn thuế, bảo đảm công bằng cho người nộp thuế

Cập nhật: 14:39, 28/11/2024 (GMT+7)

Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận hội trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật. 

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp.

Góp ý về người nộp thuế (Điều 2), đại biểu Hùng cho biết khoản 2, điểm đ quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam qua nền tảng thương mại điện tử phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại Việt Nam là một bổ sung cần thiết, phù hợp với sự phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý trường hợp không có cơ sở thường trú ở Việt Nam mà chỉ kinh doanh thông qua sàn giao dịch điện tử và đề nghị Chính phủ có nghị định quy định cụ thể để khắc phục được tình trạng trốn thuế, bảo đảm công bằng cho những người nộp thuế.

Về thu nhập được miễn thuế (Điều 4), đại biểu cho biết khoản 5 quy định miễn thuế cho doanh nghiệp có từ 30% lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện hoặc người nhiễm HIV/AIDS là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm quy định về hỗ trợ các chi phí cụ thể mà doanh nghiệp bỏ ra để đào tạo và tạo việc làm cho các nhóm yếu thế này, như chi phí đào tạo nghề hoặc chi phí cải thiện điều kiện làm việc. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tích cực hơn trong việc sử dụng lao động đặc thù, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Về căn cứ tính thuế (Điều 6), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định chi tiết về việc xác định “thu nhập tính thuế” trong các giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ và tài sản số. Đây là các lĩnh vực kinh tế mới nổi, có giá trị lớn và tiềm năng phát sinh tranh chấp nếu không được quy định rõ ràng.

Về thuế suất (Điều 10), đại biểu nêu tại khoản 2, Dự thảo quy định thuế suất 15% áp dụng cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 3 tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên nâng ngưỡng doanh thu lên 5 tỷ đồng để phù hợp với thực tế hiện nay, khi chi phí sản xuất kinh doanh ngày càng tăng cao. Đối với khoản 3, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm tiêu chí áp dụng thuế suất 17% cho doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 3 năm đầu nhằm hỗ trợ khởi nghiệp và giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế (Điều 12), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên mở rộng ưu đãi thuế đối với các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây là các lĩnh vực quan trọng, phù hợp với mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Về miễn thuế, giảm thuế (Điều 14), đại biểu cho biết quy định thời gian miễn thuế, giảm thuế hiện nay bắt đầu từ thời điểm doanh nghiệp phát sinh thu nhập chịu thuế. Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi để tính từ thời điểm dự án được cấp phép đầu tư hoặc chính thức đi vào hoạt động, vì nhiều dự án cần thời gian xây dựng dài trước khi có thu nhập. Điều này đảm bảo tính công bằng và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết.

Về chuyển lỗ (Điều 16), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần bổ sung hướng dẫn chi tiết hơn về cách chuyển lỗ giữa các loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động, đặc biệt với các lĩnh vực đặc thù như công nghệ và môi trường. Điều này sẽ đảm bảo sự đồng bộ và minh bạch trong thực hiện.

Về trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (Điều 17), đại biểu cho rằng khoản 2 quy định thu hồi phần thuế nếu doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích quỹ trong thời gian 5 năm là hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ quy trình xử lý, mức phạt và biện pháp chế tài để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định trích quỹ nhưng không thực sự triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển.

Cuối phiên thảo luận, đại diện Chính phủ sẽ làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm.

CHÂU VŨ - HUYỀN TRANG 

.
.
.