Cần quy định cụ thể việc hỗ trợ nhà ở cho nhà giáo vùng khó khăn
Sáng 20/11, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự Luật Nhà giáo.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Đăng ký phát biểu thảo luận và gửi bài phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc nhận định, đây là một văn bản pháp lý quan trọng, nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Trong không khí cả nước kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, hôm nay Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Nhà giáo là một sự kiện quan trọng đối với đội ngũ nhà giáo đã, đang trên bục giảng và cả những giáo sinh tại các cơ sở đào tạo - những người đưa đò tương lai.
Góp ý nội dung dự thảo Luật, đại biểu Phúc nhận định nhà giáo cũng là chức danh nghề nghiệp trong tổng thể các nghề nghiệp, tuy nhiên theo dự thảo Điều 4 Luật này giải thích từ ngữ cho thấy nhà giáo là những giáo viên giảng dạy, giáo dục chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; giảng dạy, giáo dục trình độ sơ cấp, trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp và là các giảng viên đạt trình độ từ cao đẳng trở lên có nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại các trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; nhà giáo trong các trường của lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý Nhà nước về nhiệm vụ và kiến thức quốc phòng, an ninh.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc mở rộng thêm đối với nhóm nhà giáo thuộc các cơ sở đặc thù, như: các viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo của lực lượng vũ trang, để đảm bảo tất cả các nhà giáo đều được hưởng quyền và nghĩa vụ như nhau, để không tạo nên sự phân biệt giữa các nhóm nhà giáo trong các loại hình cơ sở giáo dục.
Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo (Điều 8, Điều 9), đại biểu Phúc cho rằng các quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong dự thảo đã bao quát các khía cạnh cơ bản. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nhấn mạnh quyền được bảo vệ danh dự, thân thể của nhà giáo trong các tình huống bị đe dọa hoặc bị xâm phạm quyền lợi do công việc. Vì vậy, cần bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo khỏi các hành vi bạo lực, xâm phạm danh dự trong quá trình giảng dạy và công tác. Đồng thời, nêu rõ quy trình hỗ trợ pháp lý và bảo vệ nhà giáo khi đối mặt với các vi phạm từ phía phụ huynh, học sinh, hoặc các bên liên quan.
Về tuyển dụng và chế độ làm việc của nhà giáo (Điều 16 và Điều 20), theo đại biểu, quy định về tuyển dụng nhà giáo cần chi tiết hơn về đối tượng được hưởng ưu tiên và các tiêu chuẩn trong quá trình tuyển dụng. Chế độ làm việc, đặc biệt là đối với nhà giáo tại các khu vực khó khăn, cũng cần được quy định chặt chẽ hơn để tạo điều kiện công tác ổn định. Từ đó, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng (như nhà giáo tại vùng khó khăn hoặc có thành tích xuất sắc) và các tiêu chí trong quy trình tuyển dụng. Đồng thời, cần bổ sung nội dung về hỗ trợ chỗ ở, phụ cấp và các quyền lợi khác cho nhà giáo tại các vùng đặc biệt khó khăn.
Về định danh và chức danh nhà giáo (Điều 3 và Điều 12), dự thảo Luật đã đưa ra định nghĩa chung về nhà giáo, nhưng cần phân định rõ hơn về chức danh của nhà giáo tại các cơ sở giáo dục đặc thù như viện nghiên cứu và trường thuộc lực lượng vũ trang để phù hợp với đặc điểm công tác. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung rõ định danh và chức danh nhà giáo theo từng cấp học và loại hình cơ sở giáo dục, đặc biệt đối với các cơ sở đặc thù. Điều này sẽ tạo sự đồng bộ trong quản lý và đảm bảo tính công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo.
Về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo (Điều 14 và Điều 15), đại biểu Phúc nhận định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo cần được quy định một cách cụ thể, bao gồm tiêu chuẩn nhà giáo và chuẩn mực ứng xử của nhà giáo, trong đó quan tâm chất lượng nhà giáo đúng vai trò, vị thế và tầm quan trọng của nhà giáo. Chuẩn nghề nghiệp và chất lượng của nhà giáo phải bắt đầu từ giai đoạn ban đầu của quy trình đào tạo nhà giáo, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chuẩn đối với tuyển sinh đầu vào - đầu ra/tốt nghiệp của ngành sư phạm; chuẩn trong họa động giảng dạy đối với từng cấp học và ngành nghề đặc thù.
Bên cạnh đó, nên bổ sung quy định về trách nhiệm của nhà giáo trong việc tự đào tạo và nâng cao kỹ năng chuyên môn. Ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc bổ sung quy định chi tiết về các tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp, bao gồm các tiêu chuẩn về đạo đức, kỹ năng giảng dạy, khả năng đổi mới trong giáo dục... cùng với khuyến khích nhà giáo tự học hỏi, nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy đảm bảo chuẩn kiến thức, có tâm với nghề mà cả xã hội tôn vinh, Đảng và Nhà nước quan tâm, đặt niềm tin.
Về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo (Điều 27), qua nghiên cứu tình hình thực tiễn, đại biểu Phúc cho rằng chính sách tiền lương và phụ cấp hiện tại vẫn còn chênh lệch giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. điểm c khoản 1 điều 27 dự thảo quy định “Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác” là có sự quan tâm nhưng thiếu cụ thể về chính sách ưu tiên cho giáo viên mầm non nhà giáo tại các khu vực khó khăn.
Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung rõ hơn các quy định về chính sách ưu tiên phụ cấp vùng cho nhà giáo công tác ở khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt để làm rõ sự ưu tiên, khác biệt nhằm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo ở khu vực nêu trên. Song song đó cũng cần tạo sự thống nhất về thu nhập giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập, đảm bảo họ được hưởng mức lương cơ sở, phụ cấp phù hợp với yêu cầu công tác và trình độ chuyên môn.
Đồng thời đại biểu đề nghị cũng cần xem xét quy định về chính sách tiền lương của nhà giáo tại điểm d khoản 1 điều 27 dự thảo “Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” đảm bảo yêu cầu về chủ trương của Đảng, trên cơ sở tổng thể chung về chính sách tiền lương của các đối tượng có tính chất công việc, thời gian thực hiện công việc… tương đồng hoặc thời gian học tập, đào tạo, tính chất công việc nguy hiểm, khó khăn hơn để đảm bảo rằng Nhân dân tôn vinh nhà giáo, Đảng, Nhà nước sự quan tâm, có chính sách ưu tiên đối với Nhà giáo nhưng không tạo nên sự khác biệt quá lớn giữa các đối tượng.
Vì thế, nên chăng chỉ xem xét quy định về chính sách tiền lương của nhà giáo tại điểm d khoản 1 điều 27 với việc áp dụng đối với nhà giáo công tác ở khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt tuyển dụng lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp mà chưa nên áp dụng với tất cả nhà giáo.
Về chính sách hỗ trợ và thu hút nhà giáo (Điều 28 và Điều 29), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điều kiện, quy trình hỗ trợ nhà ở và các ưu đãi cụ thể cho nhà giáo tại các khu vực khó khăn. Ngoài ra, cần có lộ trình rõ ràng để thực hiện các chính sách này, đồng thời đánh giá nguồn lực để tránh gây quá tải cho ngân sách.
Về chính sách nghỉ hưu của nhà giáo (Điều 30), đại biểu đề nghị duy trì quy định việc cho phép nhà giáo bậc mầm non được nghỉ hưu sớm là hợp lý do đặc thù và tính chất công việc của giáo viên mầm non. Nhưng cần làm rõ nguồn lực tài chính và lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi và tính bền vững của chính sách.
Về xử lý vi phạm và bảo vệ quyền lợi của nhà giáo (Điều 45), đại biểu đề nghị xem xét bổ sung tình tiết tăng nặng đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đồng thời đảm bảo quyền bảo vệ danh dự và thân thể của nhà giáo trong quá trình giảng dạy. Song song với đó là trách nhiệm của nhà giáo tương đồng với sự tôn vinh của Đảng, Nhân dân và chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo và cả với những giáo sinh được tuyển vào học tập, rèn luyện tại các cơ sở đào tạo. Điều này sẽ giúp duy trì môi trường giáo dục lành mạnh; tôn trọng quyền lợi của nhà giáo nhưng phải gắn với trách nhiệm của nhà giáo.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ làm rõ các vấn đề đại biểu đã thảo luận.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)