.

Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Cập nhật: 10:19, 27/11/2024 (GMT+7)

Sáng 27/11, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự Luật Việc làm (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận hội trường, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật.

Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Góp ý về chính sách nhà nước về việc làm (điều 5), đại biểu Quân đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát nhằm tránh bỏ sót các đối tượng xứng đáng được hưởng chính sách Nhà nước. Theo đó, tại khoản 6 quy định “có chính sách khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm xanh”, đại biểu đề nghị cần giải thích nghĩa của cụm từ “việc làm sáng tạo, việc làm xanh” trong luật này là như thế nào? nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng.

Tại khoản 8 quy định “Hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số”, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm 2 đối tượng là Phụ nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần làm rỏ khái niệm “nhiều lao động” trong khoản 8 điều 5 và một số điều luật khác là bao nhiêu lao động để hiểu một cách rỏ ràng và thống nhất trong áp dụng.

Về đối tượng vay vốn (Điều 8), dự thảo luật đã quy định cụ thể nhóm đối tượng được vay vốn và nhóm đối tượng được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn, đại biểu cho rằng dự luật đã quan tâm đặt biệt đối với các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, người nghèo…, song đề nghị cần tiếp tục rà soát đánh giá tác động và cân nhắc bổ sung chính sách vay vốn ưu đãi đối với một số đối tượng khác như: đối tượng cận nghèo, người cao tuổi, người lao động bị tai nạn lao động nghiêm trọng, doanh nghiệp khởi nghiệp; các dự án tạo việc làm cho người lao động tại nông thôn; dự án phát triển hạ tầng khu vực miền núi vùng sâu vùng xa và các lĩnh vực sản xuất chế biến sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Về điều kiện vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm (Điều 9), đại biểu Quân viện dẫn: Tại điểm a khoản 1 quy định “Có phương án sử dụng vốn vay khả thi tại địa phương; phù hợp với ngành nghề kinh doanh; hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm”  và điểm b khoản 2 quy định “Có phương án sử dụng vốn vay để tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm tại địa phương”. Từ đó, đại biểu đề nghị xem xét bỏ cụm từ “tại địa phương” để tạo điều kiện cho các đối tượng dễ tiếp cận vốn vay hơn.

Về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (Điều 41), đại biểu Quân cho biết Dự thảo chưa làm rõ về việc công nhận kỹ năng nghề cho những người lao động đã có bằng cấp hoặc tay nghề cao, nhưng không qua đào tạo chính thức trong nước, mà chỉ quy định đối với trường hợp “công nhận, thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề quốc gia giữa Việt Nam với quốc gia khác”. Như vậy, việc yêu cầu đánh giá lại đối với tất cả lao động, kể cả những người có chứng chỉ quốc tế hoặc kinh nghiệm dày dặn đối với những quốc gia chưa được công nhận và thừa nhận với Việt Nam có thể gây lãng phí nguồn lực và thời gian.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định công nhận lẫn nhau giữa chứng chỉ kỹ năng nghề của Việt Nam với tất cả các quốc gia trong khu vực và quốc tế mà Việt Nam có thiết lập quan hệ ngoại giao, nhằm tăng tính linh hoạt và tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

.
.
.