Cần quy định rõ chế tài xử lý về hoạt động giám sát
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 29/11, Quốc hội tiến hành thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại hội trường. |
Phát biểu thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, Dự thảo Luật đưa ra hai phương án để bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương”.
Theo đó, đại biểu lựa chọn phương án 1, bổ sung khoản 2a riêng biệt vào sau khoản 2 Điều 3.
Đại biểu cho rằng, việc có một khoản riêng sẽ nhấn mạnh được tầm quan trọng của nguyên tắc này và giúp các cơ quan thực thi dễ dàng tham chiếu, đồng thời khẳng định rõ tính định hướng và quán xuyến của nguyên tắc này trong toàn bộ hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hơn nữa, cách trình bày riêng biệt sẽ tránh gây hiểu lầm và bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thi hành.
Về thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo (Điều 13), Dự thảo Luật cũng đưa ra hai phương án về thời điểm Quốc hội xem xét báo cáo. Đại biểu Phúc lựa chọn phương án 1, sửa đổi khoản 2 Điều 13 theo hướng quy định thời điểm xem xét cụ thể cho từng loại báo cáo. Điều này giúp Quốc hội linh hoạt hơn trong việc thảo luận và quyết định, đồng thời bảo đảm tận dụng tốt các báo cáo tổng kết năm của Chính phủ, các bộ, ngành, tránh lãng phí nguồn lực và thời gian trong việc xây dựng các báo cáo. Quy định cụ thể thời điểm này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và tính hiệu quả trong quá trình giám sát.
Đối với việc bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong yêu cầu giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, (Điều 21), dự thảo luật cũng đưa ra hai phương án. Đại biểu Phúc chọn phương án 1 để sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21, trong đó trao cho Quốc hội thẩm quyền yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Theo đại biểu, hiện nay, các văn bản pháp luật thường chỉ quy định những nội dung mang tính khái quát và khó bao quát hết các tình huống thực tiễn. Do đó, việc có thêm quy định giải thích từ phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giúp việc thực thi pháp luật trở nên thống nhất và rõ ràng hơn.
Về cơ quan tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri (Điều 30 và Điều 31), cả hai điều luật Dự thảo đưa ra hai phương án, một là Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự quy định cơ quan tham mưu, hai là quy định rõ Ban Dân nguyện là cơ quan chịu trách nhiệm.
Đại biểu Phúc đề xuất lựa chọn phương án 1, bổ sung khoản 5 vào Điều 30 và Điều 31, trong đó giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyền tự quyết định cơ quan tham mưu. Việc quy định linh hoạt như vậy sẽ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể linh hoạt chỉ định cơ quan phù hợp tùy vào nhu cầu và yêu cầu của công việc. Bên cạnh đó, phương án này cũng tránh chồng chéo và đảm bảo tính phù hợp với các chức năng, nhiệm vụ đã được phân công cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, để tăng cường tính công khai và minh bạch, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định yêu cầu các kết luận và kiến nghị giám sát phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, trừ khi liên quan đến bí mật quốc gia hoặc lý do an ninh. Đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận giám sát, cơ quan giám sát cần công khai lý do và giải trình từ chủ thể chịu giám sát, đồng thời cập nhật tình hình khắc phục và biện pháp xử lý nếu cần vào Điều 15a và Điều 60a.
Đồng thời, bổ sung quy định các cơ quan chịu sự giám sát phải báo cáo định kỳ 6 tháng, năm về tiến độ thực hiện các kết luận, kiến nghị của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân, gửi đến cơ quan giám sát hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để theo dõi vào các Điều 20, Điều 33 và Điều 42. Trong trường hợp phát sinh vấn đề nghiêm trọng hoặc vượt quá khả năng giải quyết của cơ quan chịu giám sát, họ phải báo cáo ngay lập tức đến cơ quan giám sát để có hướng xử lý kịp thời, tránh để tình trạng chậm trễ kéo dài ảnh hưởng đến hiệu lực giám sát.
Cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm.
CHÂU VŨ - HUYỀN TRANG