Sáng 30/11, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp Thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự Luật Công nghiệp công nghệ số.
Phát biểu thảo luận hội trường, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật.
Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Góp ý về khu công nghệ số (Điều 32), đại biểu Quân cho biết dự thảo hiện đã quy định thành lập, mở rộng và công nhận khu công nghệ số nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện và tiêu chí để thành lập khu công nghệ số tại các địa phương; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền thành lập. Đại biểu đề nghị trong quá trình cụ thể hóa nội dung này cần bổ sung rõ ràng hơn về trách nhiệm và quyền hạn của địa phương trong quản lý và phát triển khu công nghệ số. Việc này sẽ đảm bảo phát triển đồng đều giữa các vùng, các tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư và phát huy tiềm năng công nghệ số trên phạm vi toàn quốc.
Về phát triển bền vững công nghiệp công nghệ số (Điều 36), đại biểu nhận định trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển hướng sang phát triển bền vững, dự Luật cần bổ sung quy định rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp công nghệ số, bao gồm yêu cầu về tái chế, tái sử dụng và giảm phát thải vào khoản 2 điều 36. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Điều này sẽ giúp công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển một cách bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Chương IV (Từ Điều 49 đến Điều 59), theo đại biểu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là một bước tiến lớn, cho phép doanh nghiệp thử nghiệm các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới mà chưa có quy định pháp lý đầy đủ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cụ thể hóa, quy định rõ ràng hơn về tiêu chí và phạm vi cho phép thử nghiệm, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong trường hợp phát sinh rủi ro. Điều này sẽ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo trong ngành công nghệ số vào Chương này cho phù hợp.
Về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Chương V (Từ Điều 60 đến Điều 63), đại biểu đánh giá công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Song đại biểu nhận thấy Luật mới quy định những nội dung mang tính tính chất “khung, chuẩn và nguyên tắc”, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này tại Điều 63.
Để đạt được hiệu quả cao, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc khi tham mưu Chính phủ cụ thể hóa chi tiết các quy định tại chương này cần quy định cụ thể về đầu tư vào cơ sở hạ tầng nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho ngành này. Ngoài ra, nên có chính sách đặc biệt để thu hút các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn đến Việt Nam làm việc, giúp chúng ta không chỉ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu mà còn xây dựng năng lực tự chủ về công nghệ bán dẫn.
Về thông tin về công nghiệp công nghệ số tại Mục 12 (từ Điều 38 đến Điều 41), đại biểu xác định dữ liệu số ngày càng trở thành tài sản quan trọng trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, dự thảo hiện chưa cụ thể hóa các quy định về quyền sở hữu dữ liệu. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần quy định rõ quyền sở hữu dữ liệu công nghiệp công nghệ số, để đảm bảo chặt chẽ và minh bạch sẽ tạo niềm tin cho người dùng và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ khai thác dữ liệu một cách hợp pháp, hiệu quả.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
CHÂU VU – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)