Chiều 7/11, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận Dự Luật Điện lực (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phát biểu thảo luận hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Góp ý về điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi (Điều 46), thực tiễn cho thấy, việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển và hệ sinh thái, do đó theo đại biểu cần có những quy định rõ ràng để bảo vệ môi trường một cách chặt chẽ hơn. Đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định chi tiết về đánh giá tác động môi trường và yêu cầu các nhà đầu tư phải có kế hoạch bảo vệ môi trường cụ thể, bao gồm các biện pháp phòng ngừa và khắc phục trong suốt quá trình vận hành dự án.
Nhấn mạnh sự quan tâm tới Mục 3 quy định về Giá điện và các dịch vụ về điện, đại biểu Hùng nhận định Điều 86 quy định về các loại giá điện, vai trò của Chính phủ trong việc điều tiết giá điện. Tuy nhiên, theo đại biểu, điều luật này chưa làm rõ được cơ chế xử lý khi giá điện thay đổi nhanh hoặc không rõ ràng về các loại chi phí cấu thành giá.
Tương tự, tại Điều 87 về căn cứ lập, điều chỉnh giá điện và giá các dịch vụ về điện, nêu ra các yếu tố căn bản để lập và điều chỉnh giá điện, song cũng chưa có quy định về sự minh bạch đối với các yếu tố chi phí thực tế được sử dụng để lập giá điện. Ví dụ như chi phí sản xuất, phân phối và lợi nhuận của các nhà cung cấp, tránh tình trạng tăng giá không hợp lý hoặc bất ngờ.
Từ đó, đại biểu Hùng đánh giá, Điều 86 và 87 đã nêu cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân, nhưng chưa quy định rõ về tần suất điều chỉnh và cách thức thực hiện, nên đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc cần quy định rõ hơn về tần suất điều chỉnh giá điện. Chính phủ cần thông báo trước thời gian điều chỉnh để người tiêu dùng có thể dự đoán và điều chỉnh chi tiêu của mình. Đồng thời cần bổ sung điều khoản yêu cầu công khai toàn bộ cơ cấu giá điện đến công chúng, giải thích rõ ràng cách thức tính toán giá điện và các yếu tố chi phối việc tăng hoặc giảm giá vào 02 Điều luật này cho hợp lý.
Đại biểu Hùng cũng cho biết, qua nghiên cứu toàn bộ các điều luật tại Mục 3 (từ Điều 86 đến 88), chưa có quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng trước những biến động giá điện, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc các ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điện. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung một khoản tại Điều 86 về cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, chẳng hạn như thiết lập trần giá điện cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc trợ giá cho các đối tượng đặc biệt.
Bên cạnh đó, đại biểu Hùng cũng cho rằng quy định của Mục 3 cũng chưa quy định rõ ràng về cơ chế giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo. Điều này có thể gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời, và các nguồn năng lượng sạch khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung một mục riêng quy định về cơ chế giá điện ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo, chẳng hạn như giá cố định hoặc cơ chế đấu giá cạnh tranh.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)