Chiến dịch Bình Giã đã lùi xa 60 năm, nhưng ý nghĩa và những bài học sâu sắc tiếp tục soi rọi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở hiện tại và cả mai sau.
PGS.TS. Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 chia sẻ về ý nghĩa và bài học rút ra từ chiến thắng Bình Giã. |
Chiến dịch nhỏ, mang ý nghĩa lớn
Cách đây 60 năm, chiến thắng vang dội của chiến dịch Bình Giã tạo ra thế và lực mới, bước phát triển mạnh mẽ cho chiến tranh cách mạng miền Nam, đồng thời làm phá sản cơ bản Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Phân tích ý nghĩa của chiến thắng, PGS.TS. Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7, cho rằng chiến dịch Bình Giã có nhiều ý nghĩa, trong đó quan trọng nhất là tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận lực lượng, phương tiện chiến tranh của quân đội Mỹ và Ngụy ở miền Nam. Mở rộng vùng giải phóng trên hướng quan trọng ở Đông Nam Sài Gòn nối ra Quân khu 6 ở cực Nam Trung bộ.
Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã đã “kích hoạt” phong trào đấu tranh chính trị lan rộng, thúc đẩy phong trào kháng chiến trên toàn miền Nam. “Chiến dịch Bình Giã là nơi “trui rèn” lực lượng vũ trang cách mạng, nơi cán bộ, sĩ quan rèn luyện về quản lý, chỉ huy, còn chiến sĩ được rèn luyện về kỹ năng, phối hợp các lực lượng trong chiến đấu”, PGS.TS. Đại tá Hồ Sơn Đài nhìn nhận.
Theo PGS.TS. Đại tá Hồ Sơn Đài, chiến dịch Bình Giã không lớn nhưng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước ngoặt trong tương quan lực lượng của quân ta và địch. Chiến dịch Bình Giã có tính dự báo rất cao, như cố tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định: “Từ trận Ấp Bắc Mỹ thấy không thể thắng ta, đến trận Bình Giã thì Mỹ thấy thua ta”. Còn tướng Oét-Mo-len, Tư lệnh Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam thừa nhận hoạt động của quân đội Việt Nam Cộng Hòa là sự thua ở Bình Giã và tỉnh Bà Rịa vào cuối năm 1964. Vì thế, sau chiến dịch Bình Giã, Mỹ buộc chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ và quân đồng minh sang tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam.
Bên cạnh đó, chiến thắng Bình Giã cũng để lại nhiều bài học có giá trị đến mai sau. Theo Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, từ chiến dịch Bình Giã có thể thấy chúng ta không cần đông quân, nhiều tướng mà cần những người lính tinh nhuệ, dám chiến đấu dũng cảm để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.
Bài học đầu tiên của chiến thắng Bình Giã là trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào thì sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chúng ta phải thường xuyên xây dựng cho toàn dân, trước hết là các lực lượng vũ trang nhân dân có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, tin tưởng và làm chủ vũ khí, trang bị trong biên chế. Đồng thời tăng cường xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Trung tướng Trương Thiên Tô,
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
|
Đánh giá cao vai trò người chỉ huy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 800 Quân khu miền Đông, nguyên Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Bình Dương, cho rằng trong chiến dịch, người chỉ huy chuẩn bị kế hoạch chu đáo, tính toán kỹ, phán đoán dự kiến tình hình đúng, quyết tâm cao và tạo sự đồng lòng từ trên xuống dưới. “Quan trọng nhất là người chỉ huy còn tính toán đánh thắng nhưng hạn chế được thương vong của chiến sĩ”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Đại tá Hồ Sơn Đài, qua chiến dịch Bình Giã, quân ta rút ra được nhiều bài học quan trọng. Mở chiến dịch Bình Giã trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhưng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đánh giá đúng tình hình địch, khả năng của lực lượng kháng chiến để ra quyết định và đánh thắng. Chiến dịch cũng đặt ra vấn đề phải phát triển lực lượng chủ lực. Trong tổng kết kinh nghiệm chiến dịch Bình Giã và Đồng Xoài ở căn cứ Dương Minh Châu năm 1965, cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Miền nhìn nhận ở Bình Giã quân ta thắng giòn dã nhưng tiếc rằng chỉ mới xây dựng được 2 trung đoàn chủ lực và tung cả 2 vào chiến dịch. Nếu có lực lượng lớn hơn thì thì diễn biến và thắng lợi của chiến dịch Bình Giã lớn hơn.
Do đó, cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển lực lượng chủ lực. Sau đó, quân giải phóng xây dựng được các sư đoàn 5, 9, 7 và Đoàn Pháo binh (U80). “Có thể thấy rằng chiến dịch Bình Giã mở đầu cho sự phát triển lực lượng chủ lực trên toàn chiến trường miền nam Việt Nam”, PGS.TS. Đại tá Hồ Sơn Đài nhìn nhận.
Chiến sĩ Trung đoàn Minh Đạm diễu hành tại Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới năm 2024. |
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân
60 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Bình Giã vẫn giữ nguyên giá trị thời đại to lớn, để lại nhiều bài học sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Theo Đại tá Lê Xuân Bình, Phó Tư lệnh Quân khu 7, những thành công và bài học kinh nghiệm của chiến dịch cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo. Đó bài học về xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân, phát huy sức mạnh tổng hợp của các phương thức tác chiến chính trị-binh vận-vũ trang. Phát huy năng lực hậu cần tại chỗ, dựa vào sức dân và tiếp thu chi viện để bảo đảm cho chiến dịch phát triển, càng đánh và càng mạnh
Bên cạnh đó, bài học quan trọng về giáo dục động viên tinh thần yêu nước chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, phát huy truyền thống đánh giặc, sản xuất và công tác quần chúng. Hết lòng vì Nhân dân phục vụ, vì nước quên mình của Bộ đội Cụ Hồ. Bài học về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc để tiến hành chiến tranh Nhân dân bảo vệ tổ quốc trong điều kiện mới, đặc biệt đối với địa bàn có biển đảo như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo Đại tá Lê Xuân Bình, để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần quán triệt và thực hiện tốt việc tăng cường giáo dục ý thức quốc phòng, an ninh. Khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương nhất là ở cơ sở phải trong sạch vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả. Đồng thời phát huy ý chí nội lực tự cường đoàn kết và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh nội lực để thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Xây dựng lực lượng vũ trang tinh gọn, vững mạnh toàn diện, mẫu mực, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Phát huy sức mạnh tổng hợp huy động mọi nguồn lực trong phòng thủ và xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện ngày càng vững chắc.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN