Quốc hội thảo luận về Luật Công đoàn (sửa đổi)

Thứ Năm, 24/10/2024, 14:18 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 24/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và thảo luận dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Toàn cảnh Kỳ họp sáng 24/10. Ảnh: Quốc hội.
Toàn cảnh Kỳ họp sáng 24/10. Ảnh: Quốc hội.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu Huỳnh Thị Phúc góp đối với quy định về tư cách của tổ chức của người lao động tại DN khi được công nhận việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 6, đại biểu Phúc cho rằng khi đã xác định việc gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam, hoạt động theo Điều lệ của tổ chức Công đoàn Việt Nam thì không nên quy định việc phát sinh tư cách là đoàn viên công đoàn. Nội dung chi tiết, nên cân nhắc theo hướng giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định, sẽ phù hợp hơn so với cách quy định hiện nay tại dự thảo Luật.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.

Nhấn mạnh sự cần thiết về quy định về hợp tác quốc tế của Công đoàn tại khoản 1, Điều 9, song, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng các nội dung này đang quy định theo hướng chung chung, chưa rõ chủ thể và dự thảo các nội dung có nhiều định hướng, nguyên tắc trong hoạt động đối ngoại mang tính quốc gia. 

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét sửa nội dung tại khoản 1 theo hướng khúc chiếc lại nguyên tắc hợp tác quốc tế về công đoàn, lược bỏ một số cụm từ mang tính quan hệ đối ngoại nhà nước, như “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”, “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc”, “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”

Bởi nội dung này đã được quy định cụ thể trong đường lối, chủ trương của Đảng ta về công tác đối ngoại. 

Đồng thời đại biểu Phúc đề nghị cần bổ sung nội dung hoạt động hợp tác quốc tế về công đoàn phải phù hợp với “đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng” vào khoản 2 Điều 9. Lý giải điều này, đại biểu cho rằng đó là một bộ phận của công tác đối ngoại Nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.

Về quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động tại Điều 11, đại biểu Phúc nhận định các quy định tại điều này đang được thiết kế theo hướng liệt kê vai trò, các nhiệm vụ của công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động nhưng chưa thực sự logic. 

Theo đại biểu, song song với Luật Công đoàn còn có Bộ luật Lao động cũng điều chỉnh cụ thể những vấn đề mà Điều 11 dự thảo Luật đặt ra, như: tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể; tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích…. 

“Mỗi loại tranh chấp đều được Bộ luật Lao động quy định chủ thể có thẩm quyền để giải quyết khác nhau tại Điều 191, Điều 195 Bộ luật Lao động năm 2019. Do đó, cần quy định tại Luật Công đoàn thì phải rà soát, điều chỉnh bảo đảm tương thích Bộ luật Lao động và các luật có liên quan”, đại biểu Phúc nhấn mạnh.

Đối với nội dung về “đại diện cho người lao động, tập thể người lao động khởi kiện ra Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động bị vi phạm” tại khoản 3 Điều 11, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi nội dung này theo hướng tổ chức Công đoàn đương nhiên được khởi kiện khi quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm hại. 

Đồng thời sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự cho phép tổ chức Công đoàn đương nhiên được khởi kiện khi quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm hại để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất với Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh Lao động, Luật Việc làm.

Cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình, làm rõ một số vấn đề  ĐBQH nêu.

CHÂU VŨ - HUYỀN TRANG 

 

;
.