Quốc hội thảo luận tại tổ đại biểu về dự Luật Điện lực (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, chiều 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với Luật Điện lực (sửa đổi).
Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ trì phiên thảo luận Tổ. Tham dự phiên thảo luận có Tổ có Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận góp ý đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản thống nhất với bố cục của Dự Luật gồm 09 Chương 130 Điều.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu góp ý dự Luật Điên Lực tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Góp ý đối với chính sách của nhà nước về phát triển điện lực (Điều 5), theo đại biểu Hùng nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng, quản lý, vận hành công trình điện, lưới điện; đồng thời tăng tính cạnh tranh, thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia trong ngành điện lực theo định hướng chung về chính sách phát triển điện lực theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung 3 cụm từ vào khoản 5, Điều 5 và điều chỉnh thành: “Xóa bỏ bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia bao gồm không giới hạn đường dây và trạm biến áp trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, buôn bán điện, bán lẻ điện. Xóa bỏ độc quyền của việc mua điện để thúc đẩy, phát triển cơ chế mua bán điện DPPA. Xóa bỏ việc áp giá trần khi đám phán giá điện, giá bán điện được tham chiếu từ khung giá điện nhà nước ban hành, được đề xuất bởi bên bán theo các quy định về tính toán giá điện và giá điện cuối cùng là sự thỏa thuận, thống nhất giữa bên mua và bên bán trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung”.
Về chính sách của nhà nước về phát triển điện lực (Điều 5), đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào điểm a, khoản 9, Điều 5 cụm từ “thủ tục pháp lý, đền bù giải phóng mặt bằng, an ninh” sau cụm từ “Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế, giá điện, hỗ trợ”; viết lại thành: “Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế, giá điện, hỗ trợ thủ tục pháp lý, đền bù giải phóng mặt bằng, an ninh đối với từng loại hình điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới…”, để cụ thể hơn về chính sách ưu đãi, hỗ trợ để có cơ sở ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn và tạo động lực khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Về phạm vi của quy hoạch phát triển điện lực và phương án phát triển nguồn, lưới điện của cấp tỉnh (Điều 10), theo đại biểu Hùng để bổ sung thêm cấp điện áp 220kV để áp dụng phù hợp trong trường hợp dự án nguồn điện dưới 50MW lựa chọn đường dây truyền tải, đấu nối cấp điện 220kV đảm bảo tin cậy cao và phù hợp với trạm đấu nối hiện hữu, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung 2 cụm từ vào điểm c, d, khoản 2, Điều 10: (i) Tại điểm c là cụm từ “ở cấp điện áp 110kV trở xuống hoặc cấp điện áp 220KV phù hợp với thỏa thuận đấu nối được duyệt” sau cụm từ “Nguồn điện có quy mô công suất lắp đặt dưới 50 MW và lưới điện đấu nối”; (ii) Tại điểm d là cụm từ “hoặc đường dây 220kV của nguồn điện dưới có công suất lắp đặt dưới 50MW” sau cụm từ “Lưới điện 110 kV trên địa bàn”.
Về lập, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực (Điều 11), đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm 01 điểm mới là điểm f vào khoản 3, Điều 11 với nội dung: “Khi có nguồn điện do nhà đầu tư trong nước lập báo cáo đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển điện lực được Bộ Công Thương xem xét, lấy ý kiến, tổng hợp và thẩm định trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo quy định”, để tận dụng hết nguồn điện tiềm năng và khả thi chưa bổ sung vào quy hoạch điện VIII được phê duyệt nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy trình, quy định.
Về cơ chế xử lý các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, đại biểu Hùng nhận định để cụ thể chi tiết để có cơ sở ban hành Nghị định và thông tư hướng dẫn, tránh trường hợp một số dự án đã triển khai điều chỉnh nhưng chưa hoàn thành vì các lý do không chính đáng để loại trừ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung các cụm từ “thực hiện”, “trước thời hạn hết hạn” vào điểm a, khoản 2 Điều 17 và sửa thành: “a) Các dự án nguồn điện chậm tiến độ quá 06 tháng theo một trong các mốc tiến độ đã được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật này không thực hiện điều chỉnh tiến độ theo quy định của pháp luật về đầu tư trước thời hạn hết hạn thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Chính phủ quy định chi tiết điểm này” và bổ sung các cụm từ “thực hiện”, “có khả năng xem xét” vào điểm b, khoản 2 Điều 17 và sửa thành: “b) Các dự án nguồn điện chậm tiến độ quá 12 tháng theo một trong các mốc tiến độ đã được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật này không thực hiện điều chỉnh tiến độ theo quy định của pháp luật về đầu tư trước thời hạn hết hạn và đã bị thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan đăng ký đầu tư có khả năng xem xét chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Số tiền bảo đảm thực hiện của dự án nguồn điện chậm tiến độ sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư”.
Bên cạnh đó, đại biểu Hùng cũng quan tâm góp ý đối với các nội dung về các dự án, công trình điện khẩn cấp (Điều 20); quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới (Điều 31); phát triển điện gió ngoài khơi (Điều 39); về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện ngoài khơi (Điều 41), chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi (Điều 45).
Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tham gia phát biểu nhiều ý kiến góp ý tích cực đối với dự Luật trên tại phiên thảo luận Tổ.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)