Quy định rõ thời gian xem xét điều chỉnh quy hoạch
Ngày 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ |
Làm rõ quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo luật.
Góp ý về quy hoạch không gian ngầm (Điều 34), đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng, dự thảo luật chưa đề cập chi tiết về quy trình quản lý, khai thác, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định cụ thể về quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc cấp phép xây dựng công trình ngầm, cách thức quản lý và trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Theo đại biểu, với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, không gian ngầm trở thành tài nguyên quý giá, nếu không có sự minh bạch trong quyền sở hữu và trách nhiệm sẽ gây tranh chấp giữa các bên và khó khăn trong quản lý.
Về điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 45, Điều 47, Điều 48), đại biểu Đỗ Văn Yên nhận định, việc điều chỉnh quy hoạch trong dự thảo chủ yếu dựa trên các điều kiện cụ thể khi quy hoạch không còn phù hợp với thực tế. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên quy định về quy trình điều chỉnh cục bộ và tổng thể chi tiết hóa hơn, đặc biệt trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về hạ tầng kỹ thuật hoặc sự xuất hiện của các yếu tố mới như công nghệ thông tin, kinh tế số.
Do đó, đại biểu đề xuất cần bổ sung quy trình điều chỉnh cục bộ và quy định rõ thời gian xem xét điều chỉnh, đặc biệt với các khu vực có sự thay đổi đột ngột về quy mô dân số hoặc kinh tế. Điều này sẽ giúp quy hoạch linh hoạt hơn, đáp ứng nhanh với sự thay đổi của thực tiễn, đảm bảo phát triển đồng bộ mà không ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Quy định rõ phạm vi, nội dung công chứng điện tử
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhất trí với bố cục dự thảo luật.
Góp ý đối với các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7), đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung mức phạt rõ ràng và nặng hơn đối với hành vi sách nhiễu, ép buộc người yêu cầu công chứng và đặc biệt là các hành vi gian lận, nhận lợi ích không chính đáng. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp công chứng viên gây tổn thất cho người yêu cầu công chứng.
Nhấn mạnh sự quan tâm đối với các quy định về công chứng điện tử (từ Điều 59 đến Điều 62), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhận định, việc công chứng điện tử là một xu hướng quan trọng trong thời đại số hóa, đặc biệt trong bối cảnh tăng cường cải cách hành chính và hiện đại hóa dịch vụ công. Đại biểu cho biết, dự thảo luật đã điều chỉnh đối với văn bản công chứng điện tử (Điều 61), đề cập đến hiệu lực và giá trị của văn bản công chứng điện tử. Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định từ Điều 59 đến 62 còn thiếu các chi tiết cụ thể liên quan đến các vấn đề như: quy trình xác thực, bảo mật, điều kiện áp dụng và trách nhiệm các bên liên quan.
Để việc thực hiện công chứng điện tử được đảm bảo, đại biểu đề nghị cần bổ sung: (i). Quy định về phạm vi áp dụng công chứng điện tử nên được áp dụng cho các giao dịch đơn giản, không liên quan đến tài sản có giá trị lớn, hoặc những giao dịch phức tạp đòi hỏi tính bảo mật cao (như mua bán bất động sản, hợp đồng thừa kế). Quy định rõ ràng hơn về loại hình giao dịch mà công chứng điện tử có thể thực hiện; (ii). Xác thực chữ ký số và bảo mật, theo hướng bổ sung quy định công chứng điện tử phải sử dụng chữ ký số đã được cấp và xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo Luật Giao dịch điện tử. Các bên tham gia phải ký điện tử trên hệ thống được bảo mật cao và hệ thống này phải được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii).
Quy định về hệ thống an ninh và bảo mật thông tin, theo đó cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức hành nghề công chứng trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo mật thông tin giao dịch; (iv). Quy định cụ thể để xác thực danh tính của người yêu cầu công chứng trong các giao dịch điện tử; (v). Quy định rõ ràng về trách nhiệm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng trong quá trình thực hiện công chứng điện tử.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU