PHÒNG, CHỐNG DIỄN BIẾN HÒA BÌNH

Vạch trần luận điệu sai trái về xuất khẩu lao động

Chủ Nhật, 06/10/2024, 16:50 [GMT+7]
In bài này
.

Xuất khẩu lao động không chỉ là cơ hội cải thiện thu nhập, mà còn là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch không ngừng tung tin xuyên tạc, bôi nhọ chính sách của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang dư luận. Những chiêu trò này cần được lật tẩy, khẳng định sự thật về những lợi ích thiết thực mà xuất khẩu lao động mang lại.

Bình quân hàng năm, Việt Nam đưa hơn 100 ngàn lao động ra nước ngoài. (ảnh minh họa).
Bình quân hàng năm, Việt Nam đưa hơn 100 ngàn lao động ra nước ngoài. (ảnh minh họa).

Xuyên tạc, phủ nhận chủ trương, chính sách

Các luận điệu xuyên tạc như “Đất nước yên bình, hạnh phúc mà sao người Việt vẫn ồ ạt ra nước ngoài để bán sức lao động?” hay “Xuất khẩu lao động là sự thất bại của nền kinh tế Việt Nam” không chỉ là sự bóp méo sự thật, mà còn phủ nhận những nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động. Những luận điệu này nhằm mục tiêu phá hoại các chính sách đối ngoại của Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và hạ thấp uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Điều 35 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định, công dân có quyền làm việc và lựa chọn nghề nghiệp, với các điều kiện làm việc công bằng, an toàn. Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ chính sách đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, khuyến khích những thỏa thuận có lợi cho họ. Việt Nam không chỉ tạo điều kiện cho công dân đi làm việc ở nước ngoài, mà còn đảm bảo rằng sau khi họ về nước, họ có được việc làm phù hợp.

Thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, Nhà nước Việt Nam thi hành mọi biện pháp bảo hộ công dân ở nước ngoài, đảm bảo họ được hưởng các quyền lợi theo pháp luật nước sở tại và các thỏa thuận quốc tế. Khi quyền lợi của công dân bị xâm phạm, cơ quan đại diện có trách nhiệm khôi phục và bảo vệ những quyền đó.

Những minh chứng sống động

Các nhóm chống đối thường đưa ra các luận điệu cho rằng, người Việt xuất khẩu lao động là vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn và không có lựa chọn khác. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Xuất khẩu lao động không chỉ mang lại thu nhập cao hơn so với việc làm trong nước, mà còn mở ra cơ hội học hỏi, tiếp cận với công nghệ tiên tiến và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Những người lao động sau khi trở về không chỉ có tay nghề cao, mà còn đóng góp lớn cho nền kinh tế trong nước.

Thống kê cho thấy, thu nhập của người lao động Việt Nam ở nước ngoài dao động từ 400-600 USD/tháng (tương đương 9,5-14,3 triệu đồng) ở các thị trường Trung Đông và lên đến 52,8-66 triệu đồng/tháng tại các nước như Australia. Đây là nguồn thu nhập đáng kể, giúp nâng cao đời sống của hàng ngàn gia đình và đóng góp nguồn kiều hối hơn 3 tỷ USD mỗi năm.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã mang lại nhiều thành tựu lớn. Bình quân mỗi năm, Việt Nam đưa hơn 100 ngàn lao động ra nước ngoài, giúp tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và xây dựng quê hương. Người lao động không chỉ nâng cao tay nghề, mà còn giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.

Ngày 12/12/2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, khẳng định xuất khẩu lao động là một phần chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc nâng cao chất lượng hoạt động xuất khẩu lao động và bảo đảm quyền lợi cho người lao động luôn là mục tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Những minh chứng sống động từ thực tiễn đã bác bỏ hoàn toàn các luận điệu sai trái cho rằng xuất khẩu lao động là một hành động “tha phương cầu thực”. Xuất khẩu lao động mang lại những giá trị to lớn không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về mặt xã hội, giúp người lao động có cơ hội học hỏi và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế sau khi trở về.

Những luận điệu xuyên tạc chỉ là chiêu trò cũ kỹ, nhằm phá hoại lòng tin của người dân và gây chia rẽ nội bộ. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, tuyên truyền về quyền lợi, chính sách bảo vệ người lao động là vô cùng quan trọng. Chỉ có thông qua sự đoàn kết và sự kiên định của toàn dân, chúng ta mới có thể vượt qua mọi thủ đoạn xuyên tạc, tiếp tục đưa đất nước phát triển trên con đường hội nhập và phát triển bền vững.

(Theo CAND)

 
;
.