.

Đề nghị làm rõ quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm

Cập nhật: 10:15, 25/10/2024 (GMT+7)

Sáng 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với dự Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải Quân thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật.

Đại biểu Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Góp ý về phạm vi điều chỉnh và khái niệm về đô thị, nông thôn (Điều 1, Điều 3), đại biểu Yên cho rằng khái niệm về đô thị và nông thôn trong dự thảo vẫn mang tính chất truyền thống, chưa phản ánh đầy đủ sự thay đổi của các vùng bán đô thị, các khu vực chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị do sự phát triển kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần bổ sung các định nghĩa hoặc khái niệm về các vùng chuyển tiếp, bán đô thị hoặc các khu vực nông thôn đang dần chuyển đổi.

Đồng thời, làm rõ vai trò và chức năng của các khu vực này trong quy hoạch tổng thể, vì theo đại biểu nội dung này không chỉ phản ánh đúng thực tiễn phát triển, mà còn giúp việc quy hoạch các khu vực này trở nên hiệu quả và khả thi hơn. Hiện nay, nhiều khu vực nông thôn phát triển nhanh thành khu đô thị nhưng chưa được phân loại rõ ràng.

Về quy hoạch không gian ngầm (Điều 34), đại biểu Yên cho biết dự thảo Luật chưa đề cập chi tiết về quy trình quản lý, khai thác và quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan và đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định cụ thể về quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc cấp phép xây dựng công trình ngầm, cách thức quản lý và trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Theo đại biểu, với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, không gian ngầm trở thành tài nguyên quý giá, cho nên nếu không có sự minh bạch trong quyền sở hữu và trách nhiệm sẽ gây tranh chấp giữa các bên và khó khăn trong quản lý.

Về lấy ý kiến cộng đồng dân cư (Điều 36, Điều 37), đại biểu Yên cho rằng các điều luật trên đã đề cập đến việc lấy ý kiến của cộng đồng trong quy hoạch, nhưng chưa có cơ chế rõ ràng về việc phản hồi và xử lý các ý kiến này. Thời gian lấy ý kiến quy định là 20 ngày, nhưng điều quan trọng là các ý kiến được tiếp thu như thế nào. Do đó, đại biểu nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi lại cho cộng đồng. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về việc tổ chức các buổi đối thoại công khai giữa các cơ quan chức năng và người dân trong các trường hợp có tranh chấp hoặc bất đồng ý kiến về quy hoạch.

Về nội dung thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 40), đại biểu đề nghị cần nêu rõ hơn về các tiêu chí thẩm định và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thẩm định tại điều luật này. Đại biểu Yên cho biết, hiện dự thảo Luật quy định nội dung này còn chung chung, chưa đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của nhiệm vụ quy hoạch. Vì vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung các tiêu chí bắt buộc khi thẩm định như: đánh giá tác động môi trường, tính khả thi về tài chính, sự đồng bộ với các quy hoạch cấp quốc gia và vùng, và khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về điều chỉnh quy hoạch đô thi và nông thôn (Điều 45, Điều 47, Điều 48), đại biểu Yên nhận định việc điều chỉnh quy hoạch trong dự thảo chủ yếu dựa trên các điều kiện cụ thể khi quy hoạch không còn phù hợp với thực tế. Song đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên quy định về quy trình điều chỉnh cục bộ và tổng thể chi tiết hóa hơn, đặc biệt trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về hạ tầng kỹ thuật hoặc sự xuất hiện của các yếu tố mới như công nghệ thông tin, kinh tế số.

Do đó, đại biểu đề xuất cần bổ sung quy trình điều chỉnh cục bộ và quy định rõ thời gian xem xét điều chỉnh, đặc biệt với các khu vực có sự thay đổi đột ngột về quy mô dân số hoặc kinh tế. Điều này sẽ giúp quy hoạch linh hoạt hơn, đáp ứng nhanh với sự thay đổi của thực tiễn, đảm bảo phát triển đồng bộ mà không ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đã được phê duyệt .

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

.
.
.