Sau khi sáp nhập theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu có 7 ĐVHC cấp huyện và 77 ĐVHC cấp xã. Việc tinh gọn bộ máy sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương sáp nhập.
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Long Điền có 3 đơn vị hành chính cấp xã sẽ sáp nhập là Tam Phước, An Nhứt và An Ngãi thành xã Tam An. Trong ảnh: Công chức Bộ phận Một cửa UBND xã An Ngãi hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. |
Sắp xếp nhân sự ở địa phương sáp nhập
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Long Điền và Đất Đỏ sáp nhập thành huyện Long Đất. Bên cạnh đó, 2 huyện này cũng có 7 xã sáp nhập thành 3 đơn vị cấp xã mới. Để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, các địa phương đã chủ động triển khai, thực hiện các bước về quy trình nhân sự.
Huyện Long Điền có 3 ĐVHC cấp xã sẽ sáp nhập là Tam Phước, An Nhứt và An Ngãi thành xã Tam An. Dự kiến khoảng 32 cán bộ, công chức và 15 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, 2 trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã An Nhứt và An Ngãi thuộc diện dôi dư sau sắp xếp.
Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền thông tin, huyện đã rà soát vị trí việc làm các xã mới, tính toán phương án sắp xếp, bố trí hợp lý khi sáp nhập. Huyện đã hoàn thành xây dựng phương án nhân sự ở các xã sáp nhập. Công tác triển khai, tổ chức được thực hiện bài bản, chặt chẽ, tôn trọng ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức.
Chủ tịch UBND huyện Long Điền cũng cho hay, 2 huyện sau khi sáp nhập trở thành huyện Long Đất sẽ có nhiều lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn 2026 - 2030.
Bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ thông tin, huyện cũng đã tính toán từng bước đối với các trường hợp dôi dư, đồng thời sắp xếp, tính toán bố trí vị trí công tác phù hợp, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Hỗ trợ nhân sự dôi dư
Trong khi các địa phương sáp nhập chủ động trong việc sắp xếp nhân sự, tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ nhân sự dôi dư một cách thỏa đáng.
Cụ thể, bên cạnh chính sách của Trung ương, tại Kỳ họp thứ 21 diễn ra ngày 25/6, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Những trường hợp dôi dư thuộc diện tinh giản biên chế ngoài được hưởng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP năm 2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế, còn được hưởng khoản hỗ trợ bằng 80% tổng kinh phí trợ cấp tinh giản biên chế theo quy định của trung ương, được chi trả từ ngân sách tỉnh… Theo đó, tổng số biên chế phải sắp xếp khoảng 160 người với tổng kinh phí hỗ trợ do ngân sách địa phương chi gần 31 tỷ đồng cho giai đoạn 2023 - 2025.
Theo ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ, hiện nay đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh đã được trình Bộ Nội vụ. Dự kiến trong tháng 10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và thông qua nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh.
“Hiện nay, UBND tỉnh đã có dự thảo kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Kế hoạch quy định chi tiết từng đầu việc, bảo đảm khi có nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh sẽ tổ chức triển khai đến các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện ngay”, ông Phong cho hay.
Bài, ảnh: AN NHIÊN