Ngày 2/8, UBND tỉnh tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia "Di tích lịch sử địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba", xã Bình Ba, huyện Châu Đức.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Châu Đức đón nhận xếp hạng di tích quốc gia. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, khoa học quân sự, ca ngợi sự dũng cảm hi sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; để lại bài học lịch sử quý giá cho chiến thuật, chiến lược quân sự tại chiến trường...
Đây cũng là nơi tưởng niệm 3.050 anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn 33 đã hi sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Đồng thời, cũng là nơi yên nghỉ tập thể của 53 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 33 đã hi sinh anh dũng trong trận chiến không cân sức với kẻ thù.
"Chính quyền và nhân dân huyện Châu Đức đã có nhiều công sức để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, góp phần để di sản được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích Quốc gia", ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ. |
Di tích lịch sử “Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba” là khu tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33 đã hi sinh trong trận đánh ác liệt giải phóng Bình Ba (ngày 6/6/1969). Theo đó, để lập thành tích chào mừng ngày thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (8/6/1969), Bộ tư lệnh Phân khu 7 (T7) giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 33 tiêu diệt đồn Bảo An 64 tại ấp Bình Ba. Đây là vị trí chiến lược quan trọng của Mỹ - Ngụy, điểm án ngự trên QL 56 (lộ 2 cũ).
Ngày 3/6/1969, Trung đoàn 33 phối hợp với Tiểu đoàn 440 (bộ đội địa phương) đánh vào lực lượng địch đóng tại ấp chiến lược Bình Ba. Sau các trận chiến quyết liệt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa ngay trong đêm 5/6/1969.
Tuy nhiên, sáng ngày 6/6/1969, quân địch đã điều động 15 xe tăng, 5 máy bay và 1.000 lính tổ chức phản kích quyết liệt. Mặc dù rơi vào thế bị động về lực lượng, nhưng với tinh thần quả cảm, các chiến sĩ đã bất ngờ tấn công nhiều đồn bốt, chi khu địch, giành thế chủ động gây thiệt hại nặng nề cho địch.
Trong trận đánh này, 53 chiến sĩ của Trung đoàn 33 đã hi sinh, trong đó 49 người bị địch đào hố chôn tập thể. Sau này, hài cốt của các liệt sĩ được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Nhưng với tấm lòng trân trọng, tri ân các liệt sĩ, nhân dân địa phương vẫn cúng viếng các liệt sĩ ngay tại địa điểm chôn tập thể các chiến sĩ tại xã Bình Ba. Đây cũng là khu tưởng niệm Trung đoàn 33 ngày nay.
Di tích lịch sử "Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba" được Bộ VH - TT - DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. |
Ngày 27/7/2003, khu di tích đã được UBND tỉnh khánh thành với những ý nghĩa và giá trị lịch sử. Đến ngày 16/5/2012 UBND tỉnh trao Quyết định số 931/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với khu tượng niệm Trung đoàn 33.
Đến năm 2021, địa phương đã lập hồ sơ trình Bộ VH -TT-DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia cho "Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba". Sau nhiều lần điều chỉnh hoàn thiện hồ sơ, đến nay khu di tích này đã được Bộ VH-TT-DL ban hành quyết định xếp hạng di tích Quốc gia.
Tin, ảnh: MẠNH QUÂN