.

Ngày trở lại Côn Đảo

Cập nhật: 15:27, 26/07/2024 (GMT+7)

Những ngày tháng Bảy, Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, hệ thống nhà tù “chuồng cọp” thời Pháp thuộc, cầu tàu 914 là các điểm thu hút đông du khách đến thăm. Trong đó, có những vị khách đặc biệt là những cựu tù Côn Đảo năm xưa.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao học bổng cho các em học sinh tại huyện Côn Đảo ngày 19/7/2024. Ảnh: HOÀNG TUYẾT
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao học bổng cho các em học sinh tại huyện Côn Đảo ngày 19/7/2024. Ảnh: HOÀNG TUYẾT

Trở lại Côn Đảo, các cựu tù đến nghĩa trang thắp nén hương và gửi lời tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã nằm xuống trong tháng ngày bi thương nhưng hào hùng ấy. Rồi họ cùng nhau quay về chính nơi mình từng bị giam cầm, tra tấn, lao động khổ sai để ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt, gồm: trại 6 khu B, trại 7 khu E, trại giam Phú Hải, trại giam Phú Tường, Hầm Đá trại 2, chuồng cọp Pháp, cầu tàu 914.

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, cựu tù chính trị Côn Đảo năm nào cũng trở lại Côn Đảo. Năm nay, tháng 7 về, bà trở lại Côn Đảo và tặng quà cựu tù Côn Đảo; trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi tại huyện đảo.

Mỗi lần trở lại nơi đây, bà chia sẻ những ký ức về những tháng ngày bị giam cầm, bị tra tấn dã man bởi đòn roi, nhục hình và tinh thần chiến đấu không ngơi nghỉ của các cựu tù. Những ngày ấy, bà cùng đồng đội sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh vì luôn tin rằng cách mạng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang. 

Cựu tù chính trị năm xưa bộc bạch, dường như những đớn đau về thân xác, những màn nhục hình tra tấn dã man năm nào đã được thời gian che mờ bớt phần nào, còn chăng trọn vẹn là niềm tự hào về những năm tháng kề vai sát cánh bên đồng đội, nhường nhau từng viên thuốc, chỗ nằm, ngụm nước uống và cả những tia nắng mặt trời rọi qua khe cửa nhỏ trong xà lim tăm tối...

Trải qua 11 năm trong “địa ngục trần gian”, tuổi xuân của bà bị chôn vùi trong các nhà lao, song ý chí và tinh thần chiến đấu của bà luôn bừng sáng, rực cháy mãnh liệt. Để rồi Quốc khánh 1975, bà vỡ oà khi được đón Tết Độc lập cùng toàn dân.

Nhà báo Trịnh Phi Long, cựu tù chính trị Côn Đảo, năm nay đã 72 tuổi, dù vậy ông đến Côn Đảo không biết bao nhiêu lần để vừa thăm đồng đội, vừa tìm hài cốt mộ liệt sĩ chưa biết thông tin.

Cựu tù Côn Đảo, nhà báo Trần Phi Long thắp hương viếng tại Nghĩa trang Hàng Keo ngày 20/7/2024. Ảnh: HỒ LONG
Cựu tù Côn Đảo, nhà báo Trần Phi Long thắp hương viếng tại Nghĩa trang Hàng Keo ngày 20/7/2024. Ảnh: HỒ LONG

Ông Long là chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Năm 1969, một tuần sau khi dự lễ truy điệu Bác Hồ, ông bị địch bắt. Chúng bắt ông hô khẩu hiệu đả đảo Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát... nhưng ông không hô nên bị đưa vào xà lim, rồi bị đưa về trại giam Chí Hòa. Tháng 4/1971, ông Long bị đưa ra nhà tù Côn Đảo. Do hưởng ứng chống chào cờ, ông bị đưa vào chuồng cọp kiểu Pháp. Sau đó, ông bị đưa qua nhiều nhà tù, với nhiều hình thức tra tấn tàn ác… Qua thời gian, đến nay, ký ức năm xưa vẫn chưa thể phai mờ trong ông.

Những lần trở lại Côn Đảo, nhìn hàng dài người đội mưa thắp hương cho những ngôi mộ có tên và chưa có thông tin, ông cảm thấy lòng ấm áp hơn, tự dặn lòng nỗ lực tìm kiếm những hài cốt liệt sĩ đang còn lưu lạc đâu đó trên mảnh đất Côn Đảo này.

Đối với cựu tù chính trị Côn Đảo Võ Ái Dân, hiện đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh thì năm nào ông cũng đến đây vài lần để thăm lại các đồng đội, chiến sĩ đã ngã xuống tại Côn Đảo năm xưa. Ông cho biết, ông bị đày ra Côn Đảo hơn 10 năm trong số 14 năm lao tù. Giờ đây, ông khẳng định rất tự hào khi đã bỏ lại một thời thanh xuân, sinh mệnh để góp phần nhỏ bé xây dựng Côn Đảo trở thành “hòn đảo sáng trên Biển Đông hôm nay”.

AN NHIÊN

.
.
.