Đề xuất thành lập tổ xử lý vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng từng dự án

Thứ Bảy, 13/07/2024, 18:04 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 13/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa VII (dự kiến khai mạc sáng 16/7), 11 tổ đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ các nhóm về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm; về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; đề xuất các giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là thành lập tổ xử lý vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng từng dự án.

Dự án đường Hàng Điều, TP.Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 460 tỷ đồng. Ảnh: BẢO KHÁNH
Dự án đường Hàng Điều, TP.Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 460 tỷ đồng. Ảnh: BẢO KHÁNH

Nhiều dự án vướng về bồi thường giải phóng mặt bằng

Đại biểu Nguyễn Văn Đa, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng của tỉnh so với cả nước là cao và tăng nhưng so cùng kỳ giảm, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là có 69 dự án do vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai được. Vì vậy cần có giải pháp cụ thể, căn cơ để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng cuối năm.

Chỉ ra nguyên nhân ách tắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, đại biểu Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh 5 bài học từ thực tế trong đó có yếu tố lịch sử công tác quản lý đất đai yếu kém trong thời gian dài; quản lý không chặt chẽ, không có đăng ký rõ ràng để cho người dân lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý; nhận thức về pháp luật chưa rõ ràng của cả người dân và cả người thực hiện về công tác quản lý và công tác bồi thường.

Trên cơ sở đó, đại biểu Mai Ngọc Thuận đề nghị UBND tỉnh, UBND cấp huyện, chủ đầu tư thành lập tổ xử lý vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng do một phó chủ tịch UBND tỉnh, cấp huyện phụ trách lĩnh vực đất đai làm tổ trưởng.

Tổ xử lý từng dự án một, có báo cáo cụ thể quá trình sử dụng đất và đề xuất giải pháp xử lý từng dự án cụ thể. Trong trường hợp vượt thẩm quyền cấp huyện thì cấp tỉnh xử lý, vượt cấp tỉnh thì xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu thuộc thẩm quyền của địa phương, báo cáo về Bộ TNMT, Bộ Xây dựng nếu thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Đại biểu HĐND tỉnh đề xuất UBND tỉnh, cấp huyện Đề xuất thành lập tổ xử lý vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng từng dự án. Trong ảnh: Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Vũng Tàu và UBND phường 11 gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của với các hộ dân thuộc diện có đất bị thu hồi thực hiện dự án Trụ sở Công an TP.Vũng Tàu. Ảnh: CẨM NHUNG
Đại biểu HĐND tỉnh đề xuất UBND tỉnh, cấp huyện Đề xuất thành lập tổ xử lý vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng từng dự án. Trong ảnh: Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Vũng Tàu và UBND phường 11 gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của với các hộ dân thuộc diện có đất bị thu hồi thực hiện dự án Trụ sở Công an TP.Vũng Tàu. Ảnh: CẨM NHUNG

Tổ chức hội chợ thương mại để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh

Đại biểu Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, sản xuất nông nghiệp có tăng trưởng ổn định, tuy nhiên thực tế hiện nay đời sống của người nông dân còn khó khăn. Năm nay, El Nino đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, nhiều loại cây trồng mất mùa, nhất là các loại cây ăn trái dù được giá.

Ngoài các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp cũng là lĩnh vực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, tỉnh cần quan tâm, có đánh giá về sản xuất và đời sống của người nông dân.

Cùng với đó, đại biểu Quang cho biết, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng tốt, tuy nhiên, hiện nay, tỉnh vẫn chưa tổ chức được hội chợ thương mại quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Mong tỉnh cố gắng hàng năm tổ chức hội chợ thương mại để bà con nông dân có cơ hội quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và gắn sản phẩm nông nghiệp trong thu hút phát triển du lịch.

Cần tổ chức các hội chợ thương mại tại tỉnh để quản bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong ảnh: Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia trưng bày và kết nối giao thương với tỉnh Trà Vinh được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 12/7/2024.Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Cần tổ chức các hội chợ thương mại tại tỉnh để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong ảnh: Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia trưng bày và kết nối giao thương với tỉnh Trà Vinh được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 12/7/2024.Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Đại biểu Bùi Chí Tình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng về tình trạng khai thác đăng đáy, nuôi lồng bè ngoài vùng quy hoạch trên các sông vẫn còn. Việc này gây cản trở giao thông đường thủy, nhiều tàu phải đi vào mép sông vì đăng giăng; trong khi đó, tình trạng nuôi lồng bè ngoài vùng quy hoạch vẫn còn diễn biến phức tạp, vùng nào trống mặt nước là xảy ra tình trạng cắm cọc nuôi hàu… Do đó, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh tình trạng này.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Đại biểu Bùi Chí Thành, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, thời gian qua tỉnh quan tâm thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, vấn đề nước sạch nông thôn toàn tỉnh hiện nay đạt tỷ lệ 91. Tuy nhiên vẫn còn 2 huyện là Châu Đức và Xuyên Mộc đạt thấp khoảng 82-86%. Vì vậy, bà con tại 2 địa phương này rất cần được thụ hưởng chính sách này.

Về lĩnh vực y tế, bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, các bệnh viện tuyến tỉnh thời gian qua đã tổ chức thăm khám có hiệu quả. Nhưng các TTYT ở địa phương vẫn chưa hoạt động hết công năng do thiếu thiết bị, năng lực y bác sĩ chưa đồng đều, kinh phí chưa bảo đảm. Do đó, trong thời gian tới ngành y tế cần có giải pháp nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở.

Về giáo dục, các đại biểu lo ngại về tình trạng thiếu giáo viên. Do đó đề nghị Sở GD-GĐ rà soát, báo cáo rõ có đủ giáo viên cho năm học 2024-2025 hay không. Nếu không thì có giải pháp gì để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Lo ngại về sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên gia tăng

Đại biểu Trần Văn Vui, Chánh án TAND tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tăng.

TAND các cấp thụ lý 670 vụ với 834 bị cáo, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 100 vụ với 317 bị cáo. Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 404 vụ, tăng 117 vụ so với cùng kỳ. Tình trạng mua bán, vận chuyển đặc biệt là tình trạng tổ chức sử dụng trái phép ma túy tăng mạnh.

Điều lo ngại nhất là người sử dụng trái phép ma túy trong độ tuổi từ 16-20 (lứa tuổi thanh thiếu niên, HS) gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của giới trẻ. Địa điểm sử dụng ma túy thường là quán bar, vũ trường, thuê khách sạn.

Theo đại biểu Vui, thời gian qua đã có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp về tuyên truyền, phòng chống ma túy. Tuy nhiên công tác phòng chống ma túy có hạn chế nhất định.

Do đó thời gian tới cần tăng cường, đổi mới hình thức tuyên truyền phòng chống ma túy, tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, cảnh báo trực diện cho thanh thiếu niên, HS, SV, phụ huynh về hậu quả và tác hại của ma túy nhất là ma túy tổng hợp, chất hướng thần, các loại ma túy pha trộn, tẩm vào thực phẩm; tuyên truyền cho thanh thiếu niên các kỹ năng phòng ngừa chủ động; có phương thức cảnh giác với những thủ đoạn lôi kéo thanh thiếu tham gia vào tội phạm, tệ nạn ma túy.

Về an toàn an ninh trên không gian mạng, đại biểu Lê Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết hiện nay cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tin nhắn, gọi điện lừa đảo ngày càng nhiều, có những vụ án, vụ việc xảy ra trên cả nước nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Do đó, cần có các giải pháp giảm thiểu tình trạng mất an toàn trên không gian mạng.

Cùng với các ý kiến trên, các đại biểu HĐND tỉnh còn phát biểu về: bất cập trong phân loại rác thải, đề nghị UBND tỉnh giải trình lý do chậm chuyển đổi mô hình xử lý rác từ chôn lấp sang đốt; tình trạng nợ BHXH ảnh hưởng đến người lao động rất lớn; thúc đẩy xã hội hóa trong y tế để tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân; công tác trùng tu, tôn tạo, sửa chữa các khu di tích gặp khó khăn…

NHÓM PV THỜI SỰ

 

;
.