Bảo đảm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Chiều 16/7, trong phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, nghị trường đã “nóng” lên với nhiều nội dung liên quan đến tạo và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chủ tọa kỳ họp điều hành phần chất vấn. |
Đẩy nhanh công tác đấu giá đất
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Ngọc Hải nêu ý kiến, trong cơ cấu dự toán thu ngân sách tỉnh năm nay có nguồn từ bán đấu giá đất công, cơ sở nhà đất là 5.000 tỷ đồng và 1.820 tỷ đồng tiền sử dụng, thuê đất của 52 dự án đã giao đất nhưng đến nay vẫn chưa thu được từ nguồn này. “Đây là nguồn thu quan trọng để tạo ra nguồn lực phát triển của tỉnh. Giải pháp cụ thể nào được UBND tỉnh đặt ra để bảo đảm nguồn thu này, và trong trường hợp không thu được thì phương án bù đắp tài chính như thế nào”, đại biểu Hải đặt câu hỏi.
Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh nhận định, vấn đề đại biểu nêu đúng là còn chậm với nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan và UBND tỉnh đã đề ra giải pháp khắc phục cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh trả lời chất vấn về tiến độ đấu giá đất. |
Về 52 dự án giao đất, hiện còn 47 dự án tiếp tục cần thực hiện các thủ tục để thu tiền thuê, sử dụng đất trong thời gian tới. “Trong đó, có 20 dự án tỉnh đang thực hiện theo Nghị định 71 vừa ban hành và trong tháng 8 sẽ hoàn thành, với số tiền thu khái toán khoảng 106 tỷ đồng.
“Như vậy, còn 27 dự án phải phê duyệt giá đất cụ thể. Trong đó, 21 dự án đã thuê được đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận thấy một số sở, ngành chưa quan tâm hỗ trợ đơn vị tư vấn trong khảo sát khiến tiến độ tiến hành thủ tục còn chậm. Nội dung này UBND tỉnh đã họp với Sở TN-MT và các sở, ngành, địa phương, yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời để đưa vào phương án giá đất cụ thể”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Đại biểu Phạm Ngọc Hải chất vấn về tiến độ đấu giá đất trên địa bàn tỉnh. |
Về đấu giá, trên địa bàn tỉnh có 8 khu đất dự kiến thực hiện trong năm 2024, thu về 10.600 tỷ đồng, theo quy định nộp vào ngân sách tỉnh 5.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ vẫn còn chậm. Kế hoạch đề ra là trước 31/6 phải hoàn thành phê duyệt quy hoạch 1/500 toàn bộ khu đất nhưng hiện nay chưa xong. Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND huyện Long Điền và TP.Vũng Tàu cam kết sẽ sớm hoàn thành trước tháng 30/7.
Đại biểu Lê Văn Hòa chất vấn về giải ngân vốn đầu tư công, với điểm nghẽn lớn nhất là giải phóng mặt bằng. |
“Sau khi có quy hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT rút ngắn thủ tục như chuẩn bị đầu tư, phê duyệt đơn vị tham gia đấu giá theo đúng quy định để nhanh chóng đấu giá các khu đất này”, ông Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Với các cơ sở nhà đất là trụ sở cơ quan, đơn vị cũ, Sở Tài chính cũng đang đẩy nhanh đấu giá trong năm nay. UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phấn đấu vượt dự toán thu năm 2024 của HĐND tỉnh đề ra để “bù đắp” trong trường hợp không thu đủ từ đấu giá đất theo kế hoạch.
Gỡ vướng mắc mặt bằng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Đại biểu Lê Văn Hòa chất vấn: “Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn chưa giải quyết được, đề nghị UBND tỉnh chỉ ra giải pháp cụ thể tháo gỡ để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công?”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hòa, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2024 có tổng cộng 62 dự án phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, 41 dự án của 13 chủ đầu tư chậm tiến độ đề ra. Nguyên nhân vướng mắc liên quan đến giá bồi thường; pháp lý đất đai, sở hữu, đồng sở hữu, hộ ở ghép; vướng mắc tái định cư, nhà ở xã hội; vướng mắc về thủ tục và trình tự thực hiện…
Đại biểu Võ Ngọc Thanh Trúc chất vấn về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. |
Để giải quyết, tỉnh có các giải pháp cụ thể như đề nghị các địa phương rà soát giá bồi thường của các dự án đã phê duyệt, cần thiết phải điều chỉnh giá bồi thường theo quy định pháp luật; phân loại các dự án vướng mắc qua các thời kỳ để đề xuất giải pháp. “Luật Đất đai chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ có nhiều điểm khác về giá bồi thường, chính sách bồi thường. Do vậy, Sở TN-MT nghiên cứu các vấn đề có liên quan để triển khai”, ông Linh nói.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh giải trình một số nội dung khác mà đại biểu HĐND chất vấn liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phần chất vấn sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng 17/7, với các nội dung liên quan đến xử lý rác thải, y tế, giáo dục…
|
Về quản lý đất đai, cần quản lý chặt hiện trạng sử dụng đối với các khu đất có quy hoạch được duyệt; quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng không phân biệt đơn vị chủ đầu tư. Về nhà ở xã hội, tái định cư, các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ có giải pháp bảo đảm tiến độ các dự án và giải quyết vướng mắc.
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án, tuân thủ theo tiến độ từng tháng, từng quý và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm cho từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Chủ tọa kỳ họp nhiều lần yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương làm rõ tiến độ và đưa ra cam kết thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Ông Mai Ngọc Thuận nhấn mạnh, trước cử tri, trước Nhân dân, cơ quan chức năng phải cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ công việc chứ không chỉ hứa, nỗ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
HÀN GIANG