Xây dựng khu thương mại tự do theo cơ chế đặc thù

Thứ Sáu, 07/06/2024, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 7/6, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho các tỉnh, thành phố, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện xây dựng khu thương mại tự do và áp dụng cơ chế chính sách đặc thù. 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ

Đề xuất triển khai đồng bộ trong cả nước

Thảo luận về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị, Quốc hội chấp thuận giao cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Vì khi các tỉnh, thành phố xây dựng các khu thương mại tự do, cơ bản đều có những nội dung thực hiện giống nhau và giống thành phố Đà Nẵng.

“Kính đề nghị Quốc hội cho phép các tỉnh, thành phố không trình Quốc hội thông qua, ban hành nghị quyết mới cho từng địa phương, mà giao cho Chính phủ triển khai để đảm bảo kịp thời”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, nếu chỉ thí điểm ở thành phố Đà nẵng, mà không chấp thuận cho các tỉnh được áp dụng, khi xây dựng các khu thương mại tự do về các cơ chế đặc thù này thì các tỉnh, thành phố rất khó thực hiện. Nếu chờ thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện một thời gian rồi mới sơ kết thực hiện và nhân rộng thì càng khó khăn cho các tỉnh, thành phố. Trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến mong muốn Quốc hội quan tâm chấp thuận đề xuất này.

Nợ xây dựng cơ bản lớn

Thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, đại biểu Đỗ Thị Lan (ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện dự toán NSNN. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê, tổng hợp đánh giá, để số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện thực chất hơn.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (ĐBQH TP.Hà Nội) nhận thấy, các số liệu còn chưa trùng khớp, đặc biệt là nợ xây dựng cơ bản. “Chúng ta không chỉ tồn tại nợ xây dựng cơ bản từ ngày 1/1/2015 trở về trước, mà theo Luật Đầu tư đã nghiêm cấm, vì đây là hành vi vi phạm. Trong các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cũng như nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là nghị quyết năm 2023 về phê chuẩn quyết toán NSNN yêu cầu Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đánh giá đầy đủ, toàn diện, đúng thực trạng về tình hình nợ xây dựng cơ bản”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy, riêng năm 2022, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, quyết toán đã phát hiện thêm hơn 4.000 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản. Nếu chúng ta không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới.

Do đó, đại biểu cho rằng, cần hạn chế ảnh hưởng tối đa đến các doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư công một cách chân chính và trao gửi niềm tin thực hiện các dự án đầu tư công, vay vốn ngân hàng, sau đó phải kịp thời thanh toán khi có khối lượng hoàn thành. Điều đó cũng cho thấy, trách nhiệm các chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc cùng với các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn, hoặc thúc đẩy nhanh hơn công tác quyết toán. Điều này có trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ còn thiếu kiên quyết, còn nể nang trong vấn đề phân bổ vốn ở nợ xây dựng cơ bản, đầu tư công.

NGỌC NGUYỄN

 
;
.