.

Bảo đảm công bằng, nhưng phải có tính răn đe với người chưa thành niên phạm tội

Cập nhật: 17:46, 21/06/2024 (GMT+7)

Sáng 21/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên, khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với xu hướng chung và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Các đại biểu đồng tình với quan điểm cho rằng việc xây dựng một hệ thống quy định pháp luật về tư pháp với người chưa thành nhiên là phù hợp xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trước xu hướng tội phạm trẻ hóa như hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương lưu ý, cần cẩn trọng trong việc xây dựng từng quy định của dự thảo luật này để khi luật được ban hành vừa đảm bảo được tính nhân văn, tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm, nhưng vẫn phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc.

“Như chúng ta đã thấy, rất nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên phạm tội, mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động xã hội. Trước thực tế như vậy, mà pháp luật không có những biện pháp, hình phạt phù hợp, nghiêm khắc, đảm bảo tính công bằng, thì sẽ khiến Nhân dân bức xúc, mất niềm tin, thậm chí dẫn tới tình trạng nhiều đối tượng thanh niên lợi dụng chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn họ thực hiện những hành vi phạm tội. Điều này rất đáng lo ngại”, đại biểu Việt Nga nói.

Trong sáng 21/6, với 93,84% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là dự án luật đầu tiên được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp lần này. 
Chiều 21/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, các đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với việc xây dự thảo luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, gồm: khiển trách, xin lỗi bị hại, bồi thường thiệt hại, tham gia chương trình học tập, dạy nghề, điều trị và tư vấn tâm lý, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới, hạn chế khung giờ đi lại, cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến phạm tội mới, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản thúc tại gia đình, giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề xuất, cần xây dựng thêm các quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng, giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm. 

AN NHIÊN

.
.
.