.

Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Cập nhật: 10:35, 19/06/2024 (GMT+7)

Sáng 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 của Chính Phủ. 

Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp.

Tại phiên thảo luận, đa số các vị đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và thống nhất khẳng định đây là một Chương trình quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. 

Về phân chia các dự án thành phần và phạm vi thực hiện Chương trình, các vị đại biểu đề nghị Chương trình cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, xây dựng thành các dự án thành phần, trong đó quy định cụ thể mục tiêu, đối tượng, nội dung, cơ quan thực hiện, vốn và nguồn vốn, cơ quan chịu trách nhiệm, sản phẩm đầu ra của dự án.

Đối với một số nhiệm vụ, giải pháp khó có thể thiết kế thành dự án thành phần, đề nghị nghiên cứu, đề xuất báo cáo Quốc hội cho phép thiết kế theo nhóm nội dung thành phần.

Đối với các dự án quy mô lớn sử dụng 100% nguồn vốn của chương trìnhcó thể lập thành danh mục dự án chi tiết.

Đối với nội dung có tính chất hỗ trợ có mục tiêu, việc huy động, lồng ghép và sử dụng các nguồn lực khác nhau theo từng địa bàn, theo từng địa phương, không nên quy định phải thành lập thành dự án.

Về phạm vi thực hiện Chương trình, các đại biểu đồng tình với kiến nghị của Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công, theo đó Chương trình có nội dung thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Đồng thời, đề nghị đánh giá kỹ nội dung, phạm vi, quy mô cũng như cân đối với nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện, bảo đảm hợp lý, khả thi và hiệu quả.

Về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch: Các vị đại biểu cho rằng Chương trình cơ bản phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và các chiến lược có nội dung liên quan. Song cần bổ sung quan điểm Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Về sự trùng lặp giữa Chương trình với các chương trình, dự án khác: Một số vị đại biểu đề nghị giữ nguyên các mục tiêu, dự án có liên quan đến lĩnh vực văn hóa thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt và đang thực hiện, không tích hợp vào Chương trình này do mỗi chương trình, dự án có mục tiêu tổng thể và giai đoạn thực hiện khác nhau, nhưng cần rà soát để tránh trùng lặp về các chỉ tiêu giữa các Chương trình.

Bên cạnh đó, nhiều vị đại biểu đề nghị nghiên cứu thận trọng trước khi quyết định việc chuyển Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc thiểu số miền núi 2021-2025 vào Chương trình.

Theo đó: Cần có sự thống nhất giữa 02 cơ quan là Uỷ ban Dân tộc và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;  Đánh giá kết quả thực hiện của Dự án 6;  Rà soát, làm rõ về sự trùng lặp giữa Chương trình này với các chương trình mục tiêu khác; Đánh giá tác động, sự cần thiết, cơ chế điều chuyển, nhất là bố trí nguồn vốn, trình tự và thủ tục đầu tư; Cân nhắc giai đoạn phù hợp để chuyển Dự án 6; Đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực, các nội dung hoạt động, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư, phù hợp với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và đặc biệt là rút kinh nghiệm từ các chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Chương trình, các vị đại biểu cho rằng việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của chương trình mới dừng lại ở mức độ khái quát chung, sức thuyết phục của các số liệu minh chứng chưa cao; chưa đánh giá sâu sắc về tác động văn hóa nội sinh, nhất là động lực cho phát triển như là vai trò văn hóa trong phát triển ngành du lịch.

Vì vậy, các vị đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ sâu sắc hơn tác động của Chương trình đối với hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và kể cả quốc phòng an ninh và đối ngoại, kể cả tác động tích cực và những thách thức gắn với việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch mà chúng ta đã và đang triển khai.

Về cơ chế quản lý, điều hành Chương trình, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp theo hướng thu hẹp đầu mối quản lý, hướng dẫn để việc triển khai được thống nhất, không dàn trải, hạn chế tối đa cơ chế “xin - cho”; đảm bảo cơ chế quản lý, điều hành chương trình cơ bản thống nhất, tương thích với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, đồng thời cần rút kinh nghiệm các chương trình mục tiêu quốc gia trước đây, nhiều nội dung chưa rõ, văn bản hướng dẫn nhiều, chồng chéo nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn; cần giảm số lượng văn bản hướng dẫn, đặc biệt là cấp xã. 

Về một số vấn đề liên quan tới quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình, các vị đai biểu nhận định Chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Đồng thời, nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về quan điểm xây dựng chương trình là: Phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước đầu tư phát triển văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên và nội dung, nhiệm vụ chi của Chương trình; Đầu tư không được dàn trải, phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên khu vực có điều kiện phát triển kinh tế xã hội khó khăn, để rút ngắn chênh lệch hưởng thụ văn hóa ở các vùng miền; Đánh giá hết sức đầy đủ, toàn diện, chính xác thực trạng để có cơ sở xác định chính xác được mục tiêu và nhiệm vụ đề ra…

Về các nội dung thành phần của Chương trình, các đại biểu cho rằng nhiều chỉ tiêu còn quá chi tiết, mông lung, dàn trải, nhiều chỉ tiêu còn mang tính định tính, đề nghị nghiên cứu tính khả thi và cơ sở thực tiễn xác định các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu phải đạt 100%, 80% hay 70%.

Các vị đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ để giảm chỉ tiêu, nội dung nhiệm vụ cụ thể; xem xét, quy định nội dung triển khai thực hiện có tính mở, giao thẩm quyền cho địa phương quy định cụ thể gắn với điều kiện thực tế của từng địa bàn, vùng, miền, tạo sự chủ động cho các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các vị đại biểu đã thảo luận cho ý kiến cụ thể đối với 09 nội dung thành phần của Chương trình…

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

.
.
.