.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động tại cơ sở

Cập nhật: 18:42, 18/06/2024 (GMT+7)

Ngày 18/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); thảo luận ở tổ về: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

 Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia thảo luận đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia thảo luận đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: CHÂU VŨ

Đề xuất giữ 2% kinh phí công đoàn

Thảo luận về Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, quyền, trách nhiệm của công đoàn trong dự thảo Luật quy định tương đối đầy đủ, nhưng quan trọng hơn ở đây là cần cho công đoàn một cơ chế để thực thi được các quyền và trách nhiệm đó. Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ DN, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động.

“Cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động. Trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu”, đại biểu kiến nghị.

Về tài chính, đại biểu nhất trí quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, DN đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động”. Đây là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất nên giao Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn, giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả, đồng thời khắc phục được tình trạng chủ DN can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn.

Cùng tán thành quy định về nguồn tài chính công đoàn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế. Ngoài ra, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như Khoản 2 Điều 30 dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”.

Cập nhật phạm vi ranh giới các khu vực bảo vệ di tích

Phát biểu thảo luận tổ về phân loại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Điều 20 của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chuẩn Hải Quân Việt Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết tên Điều luật là quy định phân loại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tuy nhiên nội dung Điều luật lại chỉ quy định phân loại di tích lịch sử - văn hóa, không phân loại danh lam thắng cảnh, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại cách trình bày tại Điều này.

Về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích tại Điều 25, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng chưa có quy định chủ thể có trách nhiệm cập nhật ranh giới khu vực bảo vệ di tích vào các bản đồ quy hoạch.

Hiện nay, trong thực tiễn xảy ra tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chồng lấn với ranh của đất di tích. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào khoản 6 Điều 25 quy định về việc cập nhật phạm vi ranh giới các Khu vực bảo vệ di tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định vào bản đồ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, để đảm bảo thực hiện thống nhất.

Tham gia thảo luận đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản thống nhất với bố cục của dự thảo.

Về hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược (khoản 7, Điều 24), quy định có “Phiếu lý lịch tư pháp”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ về thời hạn của Phiếu lý lịch tư pháp vì nội dung trong Phiếu lý lịch tư pháp chỉ có giá trị xác nhận về tình trạng án tích của cá nhân đó tính đến thời điểm cấp phiếu.

Còn sau thời điểm cấp Phiếu, cá nhân có thể lại phạm tội và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật (có án tích). Theo đại biểu nếu không quy định thời hạn bao lâu của Phiếu lý lịch tư pháp dẫn đến nhiều khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện...

NGỌC NGUYỄN

.
.
.