Sáng 29/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp. |
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2023: Tại phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá năm 2023, kinh tế - xã hội nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: thu NSNN, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI…
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các vị đại biểu cũng cho rằng diễn biến tình hình KTXH những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ nhiều thách thức ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% của cả năm.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP Quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững. Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo; việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu còn chậm…
Từ đánh giá sát tình hình thực tiễn đó, các vị đại biểu Quốc hội đã đề xuất với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương nhiều giải pháp tâm huyết, trách nhiệm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng KT-XH.
Theo đó, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay.
Phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối NSNN, bội chi, nợ công; tiết kiệm chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng NSNN.
Có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt và hiệu quả việc cải cách tiền lương…
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)