Quốc hội thảo luận tổ về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù

Thứ Sáu, 31/05/2024, 15:42 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ đại biểu về các nội dung: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến chủ trì thảo luận Tổ đại biểu số 4
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến chủ trì thảo luận Tổ đại biểu số 4.

Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Thảo luận tổ Số 4 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì phiên thảo luận Tổ đại biểu số 4.

Phát biểu thảo luận tổ đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Tâm Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành 2 Nghị quyết này.

Đại biểu cho đây là bước thể chế hóa quan trọng các Nghị quyết 39 năm 2023 và Nghị quyết 43 năm 2029 của Bộ Chính trị, tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Đại biểu Hùng cho biết theo các Dự thảo Nghị quyết thì tỉnh Nghệ An được triển khai 16 chính sách gồm: 2 chính sách tương tự hoàn toàn đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác; 10 chính sách tương tự đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An và 04 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng được triển khai 30 chính sách gồm: 09 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm.

Ông Nguyễn Tâm Hùng , Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ đại biểu số 4.
Ông Nguyễn Tâm Hùng , Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ đại biểu số 4.

Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, để các cơ chế, chính sách đặc thù tại các Nghị quyết này thực sự tạo đột phá cho tăng trưởng của các địa phương thực hiện thí điểm, thì Chính phủ cần làm rõ thêm các giải pháp về quản lý quy hoạch, đẩy mạnh phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố thí điểm thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung về xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, yêu cầu song hành đặt ra với địa phương được hưởng cơ chế đặc thù, đó là phải đảm bảo đột phá vươn lên, vừa phải đảm bảo tính lan tỏa, đóng góp lại cho cả vùng khu vực.

Bên cạnh đó, đại biểu Hùng đề nghị cần xác định tính phù hợp của cơ chế chính sách với các quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, làm rõ hơn cơ chế, chính sách đặc thù tại các Nghị quyết này sẽ ảnh hưởng như thế nào khi tỉnh Nghệ an triển khai Quy họach tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1059 ngày 14/9/2023 và thành phố Đà Nẵng triển khai Quy họach thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023.

Đại biểu Hùng nhận định các cơ chế, chính sách thí điểm mang tính ngắn hạn, nhưng quy hoạch mang tính dài hạn. Do đó phải xác định rõ các vấn đề được quy định trong Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù có tương đồng và giống với Quy hoạch không, nếu giống và tương đồng thì việc xây dựng Nghị quyết đặc thù để nhằm mục đích gì, còn nếu không tương đồng thì sẽ được xử lý như thế nào, cái nào quy định cái nào, cái nào phụ thuộc cái nào, các Tờ trình của Chính phủ không nhắc đến quy hoạch tỉnh và thành phố đã được phê duyệt.

Mặc khác, đại biểu Hùng đề nghị cần xác định phân cấp tăng thẩm quyền cho các địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

Theo đại biểu Hùng, đẩy mạnh phân cấp, tăng thầm quyền cho các địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, rừng là một nội dung quan trọng cần xem xét.

Do đó, nên cân nhắc tính đến nâng hạn mức sử dụng đất lúa tăng gấp 50 lần, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng tăng gấp 2,5 lần, nâng hạn mức chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất tăng gấp 20 lần so với quy định hiện hành.

Đại biểu Hùng cho biết hiện Luật Đất đai 2024 tại khoản 5, Điều 248 cũng chưa nêu rõ hạn mức này. Việc tăng quyền này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cần lưu ý trong khi nhiều địa phương khác đang gặp khó khăn về chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, thì cần cân nhắc để tránh cạnh tranh không bình đẳng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, nhất là giữa địa phương lân cận với địa phương được hưởng chính sách đặc thù thí điểm.

Do đó, đại biểu cho rằng cũng nên bổ sung quy định, nguyên tắc trong việc chuyển mục đích của đất rừng quy định tại Luật Lâm nghiệp vào dự thảo Nghị quyết đó là việc chuyển mục đích phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mang lại hiệu quả tích cực không ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội cũng như đảm bảo an ninh lương thực ổn định đời sống của người dân.

Đối với việc thí điểm chính sách phí, lệ phí, đại biểu Hùng bày tỏ thống nhất trao quyền chủ động cho địa phương là HĐND tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng, được quyền quy định bổ sung thêm với các loại phí ngoài danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí cũng như điều chỉnh các mức phí, lệ phí khác so với quy định của luật.

Tuy nhiên, đề nghị cần cân nhắc lộ trình thực hiện chính sách này, nhất là trong tình hình kinh tế nước ta đang chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế của thế giới, người dân và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải xuất nhập khẩu đang hết sức khó khăn với các khoản đóng thuế, phí và lệ phí. 

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thảo luận, góp ý một số nội dung quan trọng khác của dự thảo các Nghị quyết nói trên.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

;
.