Quốc hội thảo luận tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 và các nội dung quan trọng khác.
Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia thảo luận tổ. |
Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Thảo luận tổ Số 4 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Kết quả đáng khích lệ
Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội các nội dung thảo luận.
Đại biểu Yến cho biết: Trong những tháng đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu... đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Song, đối chiếu với kết quả trong 4 tháng đầu năm 2024, những hạn chế của năm 2023 đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo, khắc phục khá tốt. Vì vậy, các chỉ số được tăng lên rõ rệt, trong đó GDP Quý 1 tăng 5,66% - cao nhất kể từ năm 2020 trở lại và thuộc top đầu so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này cho thấy nền kinh tế của Việt Nam từng bước phục hồi, vượt qua đại dịch, cũng như những khó khăn chung của kinh tế thế giới trong hơn 4 năm qua. Điều đó khẳng định công tác chỉ đạo điều hành và phản ứng chính sách của Chính phủ và các Bộ, ngành đang rất đúng hướng và rất tốt.
Cần làm rõ nguyên nhân lãi suất giảm nhưng DN vẫn không tiếp cận
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ |
Tuy nhiên, theo đại biểu Yến, nước ta cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024. Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đã kiến nghị:
Đối với áp lực lạm phát và chính sách tiền tệ: CPI tháng 4 tăng gần 1% so với tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm đã tăng 3,93% cho thấy việc kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô. Đồng Việt Nam mất giá so với USD, giá nhiều mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu tăng là nguyên nhân chính khiến chỉ số lạm phát những tháng qua có xu hướng tăng, tiệm cận gần tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay là 4 - 4,5% được Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế, cụ thể:
Tăng trưởng tín dụng thấp. Đến ngày 23/4/2024, tín dụng chỉ tăng 1,6% so với cuối năm 2023, tuy nhiên mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 được Ngân hàng nhà nước đề ra là 15%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,71%, tương đương số vốn 1,5 triệu tỷ đồng đã được cung ứng vào nền kinh tế.
Khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế - Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thông qua việc liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm và đến đầu tháng 4 tháng năm 2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm. Từ đó, đại biểu Yến cho rằng cần phải đánh giá rõ vì sao lãi suất cho vay giảm nhưng các doanh nghiệp không vay, không tiếp cận nguồn vốn vay.
Có chính sách điều tiết hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát
Quang cảnh tổ thảo luận |
Ngoài ra, áp lực tỷ giá tăng mạnh trong những tháng đầu năm; đại biểu Yến dẫn chứng theo thống kê của Ngân hàng nhà nước cho thấy, tỷ giá USD từ đầu năm đến nay đã tăng tới 4,9%. Chỉ số USD tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ và nhu cầu vốn trong nền kinh tế yếu dẫn đến dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng.
Từ đó, đại biểu Yến kiến nghị Chính phủ: Có chính sách điều tiết hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, cần kiểm soát tốt lạm phát, trong đó cần tính đến yếu tố tăng lương vào tháng 7 tới, cùng giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác có xu hướng tăng theo để có chính sách điều hành vĩ mô phù hợp. Trong đó, cần có kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để có thể ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường;
Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Về đầu tư công đại biểu Yến nhận xét: 4 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công được 16,41% tổng kế hoạch là 689.775,9 tỷ đồng của năm nay; đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức 15,65% cùng kỳ năm trước. Giải ngân nguồn vốn ODA mới đạt 8,58%. Dù có khởi sắc nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, cho nên nhiệm vụ giải ngân đầu tư công những tháng tới là rất nặng nề, cần tháo gỡ một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu...
Vì vậy, đại biểu đề xuất với Chính phủ quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, để đạt được mục tiêu còn lại phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024 và giải pháp căn cơ vẫn là sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương để vừa kích cầu trong ngắn hạn, tạo tiền đề cung cho dài hạn. Tập trung tháo gỡ những khó khăn về thủ tục, quy trình trong giải ngân, đặc biệt cần tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.
Cần thiết lập một cơ chế giao dịch vàng tập trung
Về công tác quản lý thị trường vàng còn bất cập, đại biểu Yến nhận định: Diễn biến phức tạp của thị trường vàng đang gây tác động bất lợi đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Viện dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, cho thấy chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước, tăng 17,01% so với tháng 12/2023, tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%.
Tính trong vòng một năm qua, giá vàng SJC đã ghi nhận mức tăng 38%, tương đương 25 triệu đồng/lượng. Đại biểu Yến cho rằng giá vàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Thực tế khi lượng tiền lớn trong dân bị hút vào việc mua vàng thì nguồn vốn tập trung vào sản xuất, kinh doanh sẽ bị khan hiếm, đẩy lãi suất lên cao… dẫn đến tình trạng lạm phát tăng.
Đại biểu cũng cho biết, vấn đề này đại biểu đã phân tích và đề xuất tại phiên họp thảo luận Tổ đại biểu Số 4 vào ngày 24/10/2023 của Kỳ họp thứ 6. Đến thời điểm hôm nay, đại biểu Yến cho biết Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa có phản ứng chính sách phù hợp. Do vậy, thị trường vàng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, biến động lớn, chênh lệch khá cao so với giá vàng thế giới…
Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng nhà nước khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24 nói trên để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, nhưng việc triển khai đến nay rất chậm.
Vì vậy, đại biểu tiếp tục đề nghị Chính phủ cân nhắc có giải pháp kiểm soát, ổn định thị trường vàng, bãi bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng SJC. Thiết lập một cơ chế giao dịch vàng tập trung và sớm sửa đổi Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động thị trường vàng.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng quan tâm đến việc sáp nhập chính quyền cấp huyện, cấp xã, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của những địa phương sáp nhập và đề nghị Chính phủ có sự quan tâm thỏa đáng để ổn định tổ chức bộ máy của các địa phương có sáp nhập huyện, xã.
Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực tham gia thảo luận một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội và các nội dung quan trọng khác.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)